Tâm sen


Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Tim sen.

Tên khác: Liên tâm; liên tử tâm; nhụy sen; phôi sen.

Tên khoa học: Embryo Nelumbinis (Nelumbo nucifera Gaertn Nelumbonaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây sen là loài cây thảo, sống trong nước và bùn lầy. Thân rễ có hình trụ, to khỏe, mọc bò dài trong bùn, rễ mọc từ các mấu của thân rễ, phát triển thành thân và lá. Lá sẽ mọc vươn lên mặt nước, có hình tròn, đường kinh khoảng 30 đến 40 cm, phiến lá hình khiên và có nhiều lông tơ ở hai mặt nên không thấm nước, gân lá tỏa tròn đều. Cuống lá có nhiều gai nhỏ, cứng và nhọn.

Hoa sen có màu trắng hoặc hồng, là hoa lưỡng tính. Tràng hoa có nhiều cánh, cánh ngoài cùng có màu xanh lá nhạt như đài hoa. Cuống hoa cũng có đặc điểm như cuống lá.

Nhị hoa nhiều và có dạng chuyển tiếp. Nhị có màu vàng, chỉ nhị mảnh, có phần phụ (gạo sen) màu trắng và thơm, bộ nhụy gồm nhiều lá noãn rời nằm trên một đế hoa hình nón ngược (gương sen).

Quả bế có núm nhọn, gọi là hạt sen, phần ngoài mỏng có màu lục tía, phần giữa mềm chứa tinh bột màu trắng ngà, phía trong có lá mầm dày, màu lục sẫm (còn gọi là tâm sen hay tim sen).

Hoa sen thường có màu trắng hoặc hồng và sống ở trong nước

Phân bố, thu hái, chế biến

Sen thường phân bố ở vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Mỹ. Ở Việt Nam, sen thường mọc ở khắp cả nước nhưng nhiều nhất là ở vùng Đồng Tháp, An Giang.

Sen thường được trồng mùa xuân, thu hoạch vào mùa hè.

Tâm sen thường được thu hái bằng cách tách các quả sen, lấy mầm sen bên trong và phơi khô, bảo quản dùng như trà.

Tâm sen nằm trong hạt sen, có vị đắng và thường dùng để hãm trà

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng là tâm sen (mầm trong hạt sen).

Thành phần hoá học

Tâm sen có 5 alkaloid, tỷ lệ toàn phần là 0,89% – 1,06%, bao gồm:

  • Methylcorypalin.

  • Amepavin.

  • 4’-O-methyl-N-methylcoclaurin.

  • N-methylisococlaurin.

  • Demethylcoclaurin.

  • Lotusin.

  • Liensinine, isoliensinine, neferine, roemerin, nuciferin, anonain, pronuciferin.

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng dùng ngày 2 đến 4 g dạng thuốc sắc, hãm, hoàn, tán. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác.

Lưu ý

Bảo quản tâm sen khô nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm mốc.

Tránh uống trà khi đói bụng.

Uống trà tâm sen liên tục nhiều tháng có thể gây mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa.

Không dùng cho các đối tượng: Trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng sinh lý…

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh hô hấp, viêm phế quản mạn tính, lao

Chuẩn bị: Tâm sen 10 g, Đan bì 12 g, Ý dĩ 12 g, Sinh địa 12 g, Bạch thược 12 g, Đảng sâm 12 g, Quy bản 10 g, Mạch môn 10g, Ngũ vị tử 10 g, Trần bì 6 g, Chích cam thảo 6 g, Đại táo 4 quả.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 tháng.

Khó ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao

Chuẩn bị: Tâm sen 1,5 – 3 g

Thực hiện: Hãm uống như trà.

Chữa đái tháo đường

Chuẩn bị: Tâm sen 8 g; Thạch cao 20 g; Sa sâm 12 g, Thiên môn 12 g, Mạch môn 12 g, Hoài sơn 12 g, Bạch biển đậu 12 g, Ý dĩ 12 g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

  • Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/sen.html.
  • Sở Y tế Nam Định: https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/cong-dung-tuyet-voi-cua-tra-tam-sen-3046.
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2).
  • Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ