Sen (Lá)


Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Lá sen.

Tên khác: Liên diệp, Hà diệp, Lotus leaf (Anh), He ye (Trung Quốc).

Tên khoa học: Folium Nelumbinis, lá của cây sen (Nelumbo nucifera Gaertn.). Thuộc họ Sen (Nelumbonaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Sen thuộc loại cây thảo, sống dưới nước, to khỏe, cao hơn 1m. Thân rễ (ngó sen) mập, mọc bò dài trong bùn, bén rễ ở những mấu, từ đó mọc lên thân và lá.

Lá hình tròn, vượt lên khỏi mặt nước, đường kính 30 – 40cm, màu lục xám, mép nguyên lượn sóng, giữa lá thường trũng xuống, mặt sau đôi khi điểm những đốm màu tía, gân hình khiên hằn rõ, cuống lá dính vào giữa lá, dài khoảng 1m hay hơn, có nhiều gai cứng nhọn.

Hình ảnh lá sen

Phân bố, thu hái, chế biến

Sen có thể được tìm thấy chủ yếu ở các nước Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, New Guinea hoặc Nhật Bản. Ngoài ra, Sen cũng phân bố ở Úc, Nga, được du nhập vào Tây Úc và Châu Mỹ từ lâu.

Loài cây này được nhiều người công nhận bởi vẻ đẹp của hoa, và đã được coi là biểu tượng tâm linh cho các tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo và Ai Cập từ thời cổ đại. Những bông hoa rất lớn, sặc sỡ và được người theo đạo Hindu coi là linh thiêng, trong khi toàn bộ cây là thánh theo các tín đồ Phật giáo. Vì vẻ đẹp của nó mà hoa còn là quốc hoa của Ấn Độ và Việt Nam.

Lá sen thu hái vào mùa thu. Thường sau khi hoa sen nở, thì hái lá, phơi khô đến 8 phần 10, bỏ cuống, gấp lá làm hai, thành nửa hình tròn, rồi phơi cho khô, xếp lại thì được Hà diệp.

Loại Hà diệp lá sen to, khô, màu lục, không bị sâu, không bị thủng lấm chấm, không vụn nát là tốt.

Lá sen khô

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng là lá phơi khô của cây sen.

Thành phần hoá học

Lá sen chứa Nuciferin, Nornuciferin, Roemerin, Armepavine, Pronuciferine, N-nornuciferine, Anonaine, Liriodenine, Quercetin, Tartaric acid, Gluconic acid, Acetic acid, Malic acid, Ginnol, Nonadecane, Succinic, Quercetin-3-O--D-glucuronide, Quercetin 3-O--D-xylopyranosyl--D-galactopyranoside, Rutin, Isoquercitrin, Hyperin.

Có tài liệu cho biết từ 33kg Lá sen, đã phân lập được 0,2g Nuciferin, 8g Roemerin và 11g Nornuciferin.

Các thành phần hoá học chính có trong Lá sen

Liều dùng & cách dùng

Lá tươi 40 – 80g, lá khô 4 – 12g. Dưới dạng thuốc sắc, có thể sao tồn tính mà dùng làm Hà diệp thán.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng Lá sen:

  • Tránh sử dụng nếu có với bất cứ thành phần nào của Lá sen.
  • Khi dùng vị thuốc để cầm máu thì cần sao cháy.
  • Bảo quản nơi khô ráo, thoáng gió.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa trúng thử nhiệt gây đau đầu, đau răng, miệng khô khát, tiểu tiện ít và đỏ

Lá sen 40g, Lô căn tươi 40g, hoa Đậu ván trắng 8g, sắc uống.

Chữa trúng thử vừa có nôn ói vừa tiêu chảy

20g Lá sen tươi, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước uống.

Chảy máu (đại tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da)

Lá sen tươi 80g, Trắc bá diệp 16g, Ngải diệp sao đen 12g, Sinh địa 40g, sắc uống.

Chữa máu hôi không hết sau khi đẻ

Lá sen sao thơm, tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện. Hoặc Lá sen sắc uống ngày 20 – 30g.

Chữa sốt xuất huyết

Lá sen, Ngó sen (hoặc Cỏ nhọ nồi), Rau má, mỗi vị 30g, bông Mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40 – 50g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa xuất huyết não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp

Lá sen, Cam thảo, mỗi vị 15,5g, Đỗ trọng 12,5g. Sinh địa, Mạch môn, Tang ký sinh, Bạch thược, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

  • Đỗ Tất Lợi (2006), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 783 – 786.
  • Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần (2000), Cây thuốc Bài thuốc và Biệt dược, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 259.
  • Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung (2002), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập II, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 721 – 726.
  • D. Tungmunnithum, D. Pinthong, C. Hano (2018) "Flavonoids from Nelumbo nucifera Gaertn., a Medicinal Plant: Uses in Traditional Medicine, Phytochemistry and Pharmacological Activities". Medicines (Basel), 5 (4).
  • A. R. Kim, S. M. Jeong, et al. (2013) "Lotus leaf alleviates hyperglycemia and dyslipidemia in animal model of diabetes mellitus". Nutr Res Pract, 7 (3), 166-71.
  • K. R. Paudel, N. Panth (2015) "Phytochemical Profile and Biological Activity of Nelumbo nucifera". Evid Based Complement Alternat Med, 2015, 789124.
  • Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ