Chi tử
Thuốc Giải độc gan Xuân quang
Thuốc Thanh huyết tiêu độc P/H
Thuốc Tiêu độc nhuận gan mật TW3
Thuốc An cung ngưu hoàng hoàn
Thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn
Thuốc An cung ngưu hoàng hoàn
Thuốc Lương huyết giải độc gan
Thuốc Hoàn cứng HOÀN THANH CAN
Thuốc Benedyn - Xuân Quang
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Chi tử.
Tên khác: Dành dành; Sơn chi; Sơn chi tử.
Tên khoa học: Gardenia jasminoides Ellis, thuộc họ Rubiaceae (Cà phê).
Đặc điểm tự nhiên
Dành dành là một loại cây nhỏ, cao chừng 1 – 2m thường xanh tốt quanh năm, thân thẳng nhẵn. Lá mọc đối, có lá kèm to, mặt trên màu sẫm bóng. Hoa mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng, không cuống, có mùi thơm. Nở vào mùa hè. Quả hình chén với 6 - 9 góc, có 2 - 5 ngăn, khi chín có màu vàng đỏ, chứa rất nhiều hạt, mùi thơm vị đắng.
Phân bố, thu hái, chế biến
Dành dành mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở miền Bắc nước ta. Tại miền núi, Dành dành thường thấy mọc hoang ở ven suối. Tại đồng bằng, nhân dân thường trồng làm cảnh và lấy quả làm thuốc hay để nhuộm bánh trái thành màu vàng (bánh xu xê, thạch). Dành dành còn thấy mọc ở Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản.
Thu hoạch vào tháng 9 đến 11, hái lấy quả chín chuyển màu vàng đỏ, ngắt bỏ cuống quả và loại tạp, đồ hoặc luộc đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra bỏ vỏ lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô.
Khi dùng có thể dùng sống (không chế biến gì thêm cả), có thể sao cho hơi sẫm màu hoặc có thể sao cháy đen nhưng chưa thành tro (tồn tính). Trong đông y cho rằng để sống có tác dụng thanh nhiệt (chữa sốt), sao vàng để tả hỏa (nóng trong người), sao đen để cầm máu.
Chi tử sao vàng: Lấy dược liệu khô, sao lửa nhỏ đến màu nâu vàng, lấy ra để nguội.
Chi từ sao xém (Tiêu chi tử): Lấy dược liệu khô, dùng lửa vừa sao đến khi mặt ngoài dược liệu vàng xém, mặt bẻ màu thẫm là được, lấy ra để nguội. Khi sao xém dược liệu dễ cháy, có thể phun một ít nước, lấy ra phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Quả chín được thu hái vào tháng 8 - 10 ngắt bỏ cuống phơi hay sấy nhẹ đến khô. Theo dược điển đông y Trung Quốc 1963, quả phải nhúng nước sôi hoặc đem đồ nửa giờ, rồi mới lấy ra phơi khô. Nếu bóc vỏ trước khi phơi sấy, ta được Chi tử nhân. Quả hình trứng hay hình thoi, dài 2 - 4cm, đường kính 1 - 2cm. Mặt ngoài màu cam đến nâu đỏ, có khi xám nâu đến đỏ xám hơi bóng, có 5 - 8 đường gờ chạy dọc theo quả. Vỏ quả mỏng, nhiều hạt xếp xít nhau thành một khối hình cầu hay quả trứng. Hạt mỏng hình cầu dẹt mặt ngoài hình màu cam đến vàng nâu. Tùy theo cách sử dụng, có thể phơi khô dùng sống để thanh nhiệt, sao qua dùng chín để tá hỏa hoặc sao đen để cầm máu.
Lá thu hái quanh năm dùng tươi.
Thành phần hoá học
Chi tử chứa các hợp chất:
-
Các iridioid glycosid: Gardosid, shanzhisid, geniposid, acid geniposidic, scandosid methylester, genipingentiobiosid, desacetylasperulosid methylester, gardenosid.
-
Các acid hữu cơ: Acid picrocrocinic, acid dicafeoyl-5-(3-hydroxy-3-methyl) glutaroyl quinic, acid 3-cafeoyl-4-sinapoyl quinic.
-
Các chất 5β-hydroxygeniposid, và 10-acetylgeniposid.
-
Các carotenoid: α-crocin, α-crocetin.
Ngoài ra, còn có các sắc tố và tinh dầu.
α-croxetin là một sắc tố màu vàng, độ chảy 2730C, không tan trong phần lớn dung môi hữu cơ, tác dụng với natri, calci và ammoniac cho muối có tinh thể. Cấu tạo của gacdenidin hay α-croxetin đã được xác định như sau: Trong Chi tử có chứa 10 - 20% manit.
Liều dùng & cách dùng
Theo các tài liệu ghi chép, Chi tử có vị đắng, tính hàn, vào ba kinh tâm, phế và tam tiêu có tác dụng thân nhiệt (chữa sốt), tả hỏa, lợi tiểu, cầm máu, dùng trong bệnh sốt, người bồn chồn, khó ngủ, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thông huyết, máu cam, lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu.
Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc. Còn dùng làm thuốc đắp lên những nơi sưng đau do đòn, do bị tổn thương: Giã nát, thêm nước rồi đắp lên nơi sưng đau.
Lá được nhân dân ta hay dùng giã nát đắp lên mắt đỏ đau. Màu vàng của Chi tử không độc, nhân dân ta vẫn dùng nhuộm thức ăn như bánh xu xê, thạch.
Lưu ý
Người suy nhược, tỳ vị hư hàn, tiêu hóa kém, tiêu chảy, tiểu đường không nên dùng.
Bài thuốc kinh nghiệm
Siro nhân trần
Nhân trần 24g, Chi tử 12g, nước 600ml, sắc còn 100ml, thêm đường vào cho đủ thành siro. Chia 3 lần uống trong ngày chữa vàng da, vàng mắt, viêm gan.
Chi tử hoàng nghiệt bì thang (đơn thuốc kinh nghiệm của Trương Trọng Cảnh): Chi tử 5g, Hoàng nghiệt (tên khác của hoàng bá) 5g, Cam thảo 2g, nước 600ml, đun sôi trong ½ giờ, chia 2 - 3 lần uống trong ngày chữa người bị vàng da, vàng mắt, sốt, tâm phiền muộn.
Chữa bỏng do nước
Chi tử đốt thành than hoà với lòng trắng trứng gà bôi lên nơi bỏng.
Chữa trẻ con sốt nóng, ăn không được
Chi tử 7 quả, Đậu sị 20g, thêm 400ml nước sắc còn 200ml, chia 3 - 4 lần uống trong ngày.
Chữa viêm gan, vàng da, vàng mắt
Nhân trần 30 g, Chi tử 12g, vỏ Đại 10g.
Chữa viêm gan nhiễm trùng vàng da
Chi tử 9g, Nhân trần 18g, Đại hoàng 6g, sắc uống.
Chữa ho ra máu, thổ huyết
Chi tử (sao), Hoa hòe (sao), Sắn dây, mỗi vị 20g sắc nước, hòa thêm ít muối uống.
Chữa chảy máu cam
Chi tử đốt thành than, tán thành bột mịn thổi vào mũi.
Chữa hỏa bốc lên đầu, đau mắt ù tai, chảy máu mũi
Chi tử (sao), hạt Muồng ngủ (sao) mỗi vị 16g sắc nước uống.
Chữa tiểu ra máu
Chi tử tươi 60g, Đường kính 30g sắc nước uống.
Chữa loét miệng và lưỡi, răng lợi sưng đau, mắt đỏ, chảy máu cam táo bón
Chi tử (sao), Kim ngân hoa, Hoàng cầm (sao), Đại hoàng, Cát canh, Bạc hà mỗi vị 160g, Cam thảo 80g, Hoàng liên, Hoàng bá mỗi vị 40g. Làm thành hoàn. Mỗi lần uống 9g, ngày uống một lần (hoàng chi tử kim hoa).
1) Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/danh-danh.html
2) Khoa Dược – Đại học Y Dược TPHCM: http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/78
3) Dược điển Việt Nam: https://duocdienvietnam.com/danh-danh-qua/
4) Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1).