Bạch cập


Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bạch cập.

Tên khác: Liên cập thảo; Bạch cấp; Bạch căn; Cam căn; Hát tất đa; Võng lạt đa; Nhược lan lan hoa; Từ lan; Trúc túc giao; Tuyết như lai; Tử tuệ căn; Tử lan căn.

Tên khoa học: Bletilla striata (Thunb.) Reichb.f.

Đặc điểm tự nhiên

Bạch cập là một loài Lan địa sinh, sống nhiều năm, mọc hoang và được trồng nơi ẩm ướt, mát. Thân rễ phát triển, mang nhiều vảy, mọc bò ngang chia 2 – 3 nhánh, mỗi nhánh hình cầu dẹt. Lá mọc từ thân rễ lên, khoảng 3 – 5 lá hình mũi mác dài 18 – 40 cm, rộng 2,5 - 5 cm, có nhiều nếp nhăn dọc chiều dài các gân song song.

Cây ra hoa màu hồng tím, mọc thành chùm ở ngọn, mang 3 – 6 hoa. Lá bắc cùng màu, rụng sớm. Bao hoa có lá đài và cánh hoa giống nhau, cánh môi có màu tím sẫm, đầu mép uốn lượn. Nhị mang bao phấn có các phấn khối xếp thành 2 mảng. Quả dạng hình thoi, có 6 cạnh.

Hình ảnh Cây Bạch cập

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố:

Bạch cập phân bố ở những nơi hoang dại, khí hậu mát mẻ như các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang.

Thu hái và chế biến:

Tiến hành thu mẫu vào mùa thu, lấy thân rễ, rửa sạch. Sau đó, bỏ các rễ con, luộc hoặc đồ cho đến khi thấy phần lõi không còn màu trắng, phơi khô tương đối rồi bóc vỏ, sau đó phơi tiếp đến khô.

Hoặc có thể lấy Bạch cập hấp cho mềm đều, sau đó cắt lát mỏng và phơi khô.

Bộ phận sử dụng

Thân rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch cập (Rhizoma Bletilla). Thân rễ hình cầu dẹt, không đều, có 2 – 3 ngạnh giống cái móng, dài 1,5 – 5cm, dày 0,5 – 1,5cm. Mặt ngoài trắng ngà hoặc trắng xám, có các vòng đồng tâm, và các sẹo của rễ con là những nốt màu nâu; sẹo của thân thì nhô lên cao, bên dưới thì có vết nối với phần thân rễ khác. Phần thân rễ này khá cứng, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang có màu trắng ngà, không mùi, dính và dẻo.

Bột dược liệu sẽ có màu trắng ngà đến vàng nhạt, hơi có ánh nâu.

Thành phần hoá học

Bạch cập chứa tinh dầu, tinh bột và chất nhầy. Chất nhầy là các polysaccarid (bletilamanan) bao gồm manose, glucose, ngoài ra còn có batatasin và 3’ – 0 – methylbatatasin.

Bạch cập được ứng dụng nhiều trong y học

Liều dùng & cách dùng

Mỗi ngày sắc từ 6 – 15g để dùng.

Đối với dạng thuốc viên hoặc thuốc bột thì dùng từ 3 – 6g/ngày.

Có thể bôi và đắp ngoài với lượng thích hợp.

Lưu ý

Lưu ý khi sử dụng Bạch cập là không kết hợp với Ô đầu (ô đầu, phụ tử, thiên hùng).

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa thổ huyết

Mỗi ngày, tán nhỏ 10 – 15g thân rễ bạch cập rồi hòa với nước cơm hay nước cháo để uống.

Bạch cập 2 phần, Tam thất 1 phần. Tán nhỏ rồi hòa vào nước cơm hoặc nước cháo để uống.

Liều dùng: 4 – 8g/ngày, chia thành 2 – 4 lần.

Chữa phổi kết hạch to, ho gà, khạc ra máu, lao hang

Mỗi ngày uống > 12 g Bạch cập đã tán nhỏ. Duy trì trong nhiều ngày.

Chảy máu cam

Tán nhỏ 1 – 3g Bạch cập, hòa với nước, đắp lên sống mũi và uống.

Chữa bỏng do lửa

Trộn Bạch cập đã tán nhỏ với dầu mè rồi bôi lên vết bỏng.

Băng bó vết thương do đâm chém

Bạch cập 20g, Thạch cao 20g. Nghiền nhỏ cả hai thứ rồi đắp lên vết thương sẽ giúp nhanh chóng đóng miệng vết thương.

Chữa ung nhọt sưng đau

Bạch cập tán nhỏ, trộn với ít nước rồi đắp lên ung nhọt.

Bài thuốc Bạch cập
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

  • Cây thuốc và động vật làm thuốc (Tập 1)

  • Tuệ Tĩnh toàn tập – Nguyễn Bá Tĩnh

  • Dược điển Việt Nam 5

  • Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ