Râu bắp


Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Râu bắp.

Tên khác: Râu ngô, ngọc mễ tu.

Tên khoa học: Zea mays L.

Đặc điểm tự nhiên

Râu bắp (Stigmata Maydis) là vòi và núm phơi khô của hoa cây bắp (Zea.mays L.) đã già và cho bắp.

Cây bắp (ngô) là cây lương thực và là một cây thuốc quý có thể điều trị nhiều bệnh lý. Cây thân thảo cao khoảng 1,5 – 2,5m. Thân dày, đặc, tương tự như thân tre, có đốt, các đốt cách nhau khoảng 20 – 30cm.

Lá to, dài, bản rộng, mép có nhiều lông thô ráp.

Hoa đực có màu lục, tạo thành một bông dài tụ lại ngọn. Hoa cái tụ thành một bông to hình trụ ở nách lá và được bao bởi nhiều lá bắc dạng màng. Vòi nhụy có dạng sợi, màu vàng, túm lại thành chùm, có thể dài tới 20cm. Đầu nhụy màu nâu hoặc tím sẫm.

Quả ngô hình trứng, có nhiều hạt, xếp khít nhau tạo thành 8 – 10 dây hạt. Hạt cứng, bóng, nhiều màu sắc, tuy nhiên màu phổ biến là màu vàng.

Râu bắp

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây bắp là loại cây được trồng phổ biến ở nước ta từ vùng núi đến đồng bằng.

Râu bắp hái vào lúc ta thu hoạch bắp. Sau khi thu hái, mang đi phơi thật khô. Nhặt bỏ các sợi râu màu đen, chỉ lấy những sợi màu nâu vàng óng và mượt.

Bộ phận sử dụng

Râu bắp hay còn gọi là vòi nhụy là bộ phận được ứng dụng làm thuốc.

Thành phần hoá học

Trong râu bắp có chứa các các steroid như sitosterol và stigmasterol, nhiều loại vitamin và khoáng chất như: Vitamin A; vitamin K, vitamin nhóm B: B1, B2, B6 (pyridoxine); vitamin C; vitamin PP; các flavonoid: Inositol, axit pantothenic; các saponin; dầu béo; các chất đắng; vết tinh dầu và các chất vi lượng khác.

Liều dùng & cách dùng

Râu bắp có thể được sử dụng ở cả dạng tươi và khô.

Cân 10g râu ngô, cắt nhỏ, đun sôi nước và thả râu bắp vào. Đun sôi trong vài phút cho đến khi nước biến thành màu nâu và lọc lấy nước. Thêm một chút nước cốt chanh để tăng hương vị.

Nếu chế thành cao lỏng, đóng thành lọ 20g. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 30 – 40 giọt trước bữa ăn.

Nước râu bắp có tác dụng lợi tiểu

Lưu ý

  • Không nên uống quá nhiều vì có thể gây tác dụng phụ, nên kiểm soát lượng râu ngô nhâm ở mức 3 - 5 gam mỗi ngày.

  • Không nên dùng vào buổi tối vì râu ngô có tác dụng lợi tiểu, nếu dùng quá nhiều sẽ khiến bạn đi tiểu đêm nhiều lần, khó ngủ.

  • Không nên uống nước ngô để lâu, bị thiu.

  • Nên chọn râu ngô dạng tươi thay vì dạng khô vì chứa nhiều dưỡng chất hơn. Chọn râu sợi to, bóng, mượt và có màu nâu nhung.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bệnh sỏi thận hoặc tiết niệu

Cho 10g râu ngô vào 200ml nuớc sôi, đun cách thủy 30 phút lấy nước hãm.

Nếu làm nuớc sắc râu ngô thì lấy 10g râu ngô cho vào 300ml nước rồi đun sôi nhỏ lửa trong 30 phút.

Nước hãm, nước sắc râu ngô dùng mỗi lần từ 20 – 60ml trước các bữa ăn 3-4 giờ.

Ho ra máu

Chuẩn bị: Râu ngô 50g, đường phèn 50g, cho vào nấu canh.

Mỗi ngày 1 liều, uống 2 lần sáng, tối. 5 ngày 1 liệu trình.

Trị bệnh tiểu đường

Mỗi ngày dùng 40 – 50g râu ngô sắc lấy nước uống. Có thể phối hợp thêm với các vị thuốc khác: Mạch môn, thiên môn, cỏ ngọt, tri mẫu… hiệu quả sẽ tốt hơn.

  • https://tracuuduoclieu.vn/rau-ngo-2.html

  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi

  • Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2)

  • Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ