Chè xanh
Thuốc Viên nang LINH CHI - L
Thuốc Antiofat - Herbal - TW 3
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Chè xanh.
Tên khác: Trà xanh; Trà.
Tên khoa học: Camellia sinensis.
Đặc điểm tự nhiên
Chè là một cây khỏe, mọc hoang và không cắt xén có thể cao tới 10m hay hơn nữa, đường kính thân có thể tới mức một người ôm không xuể. Đôi khi mọc thành rừng gỗ trên núi đá cao. Nhưng trong khi trồng tỉa thường người ta cắt xén để tiện viêc hái cho nên thường chỉ cao nhất là 2m. Nhiều cành đâm ngay từ gốc. Lá mọc so le, không rụng. Hoa to trắng, mọc ở kẽ lá, mùi rất thơm, nhiều nhị. Quả là một nang thường có 3 ngăn, nhưng chỉ còn một hạt do các hạt khác bị teo đi. Quả khai bằng lối cắt ngăn, hạt không phôi nhũ, lá mầm lớn, có chứa dầu.
Phân bố, thu hái, chế biến
Chè xanh là cây có nguồn gốc từ Trung quốc. Nhân dân Trung quốc đã biết dùng chè từ 2.500 năm trước công nguyên, sau tới Nhật bản và nhiều nước Châu Á khác. Hiện nay cây chè được trồng ở nhiều nước. Liên xô cũ cũng rất phát triển việc trồng chè. Ở nước ta chè được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và một số tỉnh miền nam như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Chè dùng làm thuốc hái vào mùa xuân: Hái búp và lá non. Vò rồi sao cho khô giống như cách chế chè hương để pha nước uống của nhân dân. Cho nên ta có thể dùng chè (hương hay tàu chè) làm thuốc.
Không dùng chè đen hay chè mạn là những loại chè đã cho lên men rồi mới phơi sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Lá (Folium Camelliae) dùng tươi hay phơi khô và được chế biến thành chè xanh.
Thành phần hoá học
Thành phần quan trọng để phân biệt tính chất của “nước chè” gồm cafein, các polyphenol, tinh dầu. Những chất này cộng với một số thành phần khác góp phần tạo ra những loại trà có chất lượng khác nhau trên thị trường.
Trong lá có chứa tới 20% tannin là một chất có tác dụng làm săn da, sát khuẩn mạnh. Ngoài ra còn cafein với tỷ lệ 1,5 - 5%, một số vitamin B1, B2, C.
Đặc biệt tannin trong chè có tác dụng như một vitamin P vì đây là hỗn hợp của các catechin và dẫn xuất của catechin có cấu trúc hóa học của vitamin P.
Liều dùng & cách dùng
Chè được dùng trong các trường hợp tâm thần mệt mỏi, ngủ nhiều, đau đầu, mắt mờ, sốt, khát nước, tiểu tiện không lơi, ngộ độc rượu. Dạng dùng thông thường là lá chè tươi nấu nước uống hoặc dùng chè khô hãm nước sôi uống.
Chè pha nước uống, làm thuốc kích thích do cafein và chữa lỵ theo như đơn sau đây:
-
Chè 100g;
-
Cam thảo 10g;
-
Nước vừa đủ 100ml.
Cách pha chế: Lấy chè và Cam thảo đổ nước vào cho ngập, đun sôi trong nửa giờ, lọc. Bã còn lại thêm nước cho xâm xấp và đun sôi trong nửa giờ nữa. Lọc bã chè và cam thảo. Hợp cả hai nước lại, cô đặc cho đến khi đúng 100ml. Thêm natri benzoate 0,3g hoặc cho thêm 0,03g nipagin vào để bảo quản. Có thể không cho cam thảo hoặc natri benzoate hay nipagin cũng được, nhưng không ngọt và không để lâu được. Ngày dùng 4 lần, mỗi lần 5 – 10ml. Mỗi lần điều trị 3 - 5 ngày.
Đối với người không chịu được nước Chè, có thể chế thành dung dịch 10% rồi thụt giữ như sau:
-
Lấy 10g Chè, sắc trong nửa giờ rồi lọc, mỗi ngày thụt 1 - 2 lần, mỗi lần 100ml.
-
Đơn thuốc này thường chỉ dùng cho người lớn. Một số người có thể mất ngủ do có chất cafein. Do đó nên uống hay thụt vào sáng hay trưa.
-
Đơn thuốc này đã được dùng có kết quả tại một số bệnh viện Trung Quốc và Việt Nam để điều trị các trường hợp lỵ do trùng Shiga.
Dùng ngoài: Nước chè đặc rửa vết thương, vết bỏng hoặc lở loét, rồi đắp bằng lòng trắng trứng, làm se da và chóng lên da non.
Lưu ý
Chè cũng có thể gây tác hại như sau:
-
Chè làm giảm thiểu lượng thiamin trong cơ thể, gây ra thiếu thiamin trầm trọng ở một số người.
-
Nếu sử dụng lâu dài với liều cao, chè có thể gây nhiễm độc mạn tính, biểu hiện là mất ngủ, gầy yếu, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn thần kinh.
-
Chè gây khó ngủ, nên uống vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ.
-
Chè gây kích thích thần kinh.
Bài thuốc kinh nghiệm
Tiêu chảy, đi lỵ
Dùng búp Chè, búp ổi mỗi thứ một nắm sao vàng sắc uống hoặc nhai một nắm trà hương khô.
1) Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/che.html
2) Khoa Dược – Đại học Y Dược TPHCM: http://uphcm.edu.vn/caythuoc/index.php?q=node/306
3) Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1).