Tảo Spirulina
Thuốc Spivital nutri - DHGPharm
Thuốc Protecliv - Pharbaco
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Tảo xoắn
Tên khác: Tảo Spirulina
Tên khoa học: Spirulina platensis (Nordst.) Geitl thuộc họ Oscillatoriaceae, Arthrospira platensis thuộc bộ Oscilatoriales, họ Cyanobacteria.
Đặc điểm tự nhiên
Tảo Spirulina là vi sinh vật quang tự dưỡng bắt buộc, không thể sống hoàn toàn trong tối, quang hợp nhờ ánh sáng mặt trời và có khả năng cố định đạm rất cao. Đây là một trong khoảng 2.500 loài cyanophyta cổ nhất, tự dưỡng đơn giản, có khả năng tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể, kể cả các đại phân tử phức tạp.
Theo Frémy (1930) cơ thể hiển vi có dạng xoắn lò xo với 5 - 7 vòng xoắn đều nhau. Tảo xoắn không phân nhánh, không có bao, không chia thành các tế bào có vách ngăn ngang. Trong tế bào có những hạt nhỏ phân bố sát màng tế bào và ở những loài trôi nổi trên bề mặt nước thường có không bào khí.
Chiều dài của tảo xoắn tới 151 micron (gần bằng 1,5 mm); chiều rộng 5,5 - 6,5 micron, đầu sợi hơi thun lại. Các vòng xoắn đều nhau, đường kính 43 micron, khoảng cách giữa các vòng xoắn 2,6 micron. Chiều dài tế bào lớn hơn 2 micron và bằng một nửa chiều ngang. Chỗ vách ngăn ngang giữa các tế bào hơi thắt lại. Sống trong các thuỷ vực nước đứng, hiện nay S.platensis là đối tượng nuôi trồng công nghệ vì sinh khối của chúng giàu chất dinh dưỡng và protein (trích dẫn bởi Dương Tiến Đức, 1996).
Phân bố, thu hái, chế biến
Trước hết các vùng nước kiềm (pH 8 - 11) có thể có Spirulina sống tự nhiên, nhất là các hồ, suối khoáng, ấm áp. Về địa lý tảo này được tìm thấy ở phạm vi rất rộng: Châu Phi (Tchad, Côngo, Ethiopia, Kenya, Nam Phi, Ai Cập, Tanzania, Zambia), Châu Mỹ (Hoa kỳ, Peru, Uruguay, Mexico), Châu Á (Ấn Độ, Pakistan, Srilanka, Việt Nam), Châu Âu (Nga, Ukraina, Hungarie,...). Ở nước ta, loài tảo xoắn này do du nhập từ nước ngoài, phân bố chủ yếu ở vùng Ninh Thuận.
Từng vùng có thể có từng loài, giống Spirulina khác nhau, hoặc một loài như S.platensis lại được tìm thấy ở nhiều nước, có khi rất xa nhau tới nửa vùng trái đất. Sự phân bố này có thể do chọn lọc tự nhiên, không kể do con người chủ động di thực nuôi trồng.
Cũng có thể được di thực theo một số loài chim di trú, mà loài hồng lạc (Phoenicoraiasmiror), thường ăn Spirulina ở Châu Mỹ là một số ví dụ. Tảo Spirulina thường bám vào lông vũ và theo chim phân bố tới những nơi mà hồng lạc cư trú theo mùa. Như vậy số lượng các giống, loài của Spirulina có hàng chục ở nhiều vùng trên thế giới, tức là hệ gen hay tính đa dạng sinh học của chúng thật phong phú (Lê Đình Lăng, 1999).
Bộ phận sử dụng
Toàn cây.
Thành phần hoá học
Hàm lượng protein trong Spirulina thuộc vào loại cao nhất trong các thực phẩm hiện nay, 56% - 77% trọng lượng khô.
Hàm lượng vitamin rất cao. Cứ 1 kg tảo xoắn Spirulina chứa 55 mg vitamin B1, 40 mg vitamin B2, 3 mg vitamin B6, 2 mg vitamin B12, 113 mg vitamin PP, 190 mg vitamin E, 4.000 mg caroten trong đó β-Caroten khoảng 1.700 mg (tăng thêm 1.000% so với cà rốt), 0,5 mg axít folic, inosit khoảng 500 - 1.000 mg.
Hàm lượng khoáng chất có thể thay đổi theo điều kiện nuôi trồng, thông thường sắt là 580 – 646 mg/kg, mangan là 23 – 25 mg/kg, Mg là 2,915 - 3,811/kg, selen là 0,4 mg/kg, calci, kali, phosphor đều khoảng là 1.000 - 3.000 mg/kg hoặc cao hơn.
Phần lớn chất béo trong Spirulina là axít béo không no, trong đó axít linoleic 13.784 mg/kg, γ-linoleic 11.980 mg/kg.
Hàm lượng cacbon hydrat khoảng 16,5%, hiện nay đã có những thông tin dùng glucoza chiết xuất từ tảo Spirulina để tiến hành những nghiên cứu chống ung thư.
Liều dùng & cách dùng
Liều lượng tảo cần dùng tiêu chuẩn là 2–3 g/ngày. Nếu bạn dùng dưới dạng viên tảo thực phẩm chức năng có thể uống viên tảo trước 30 phút trước khi ăn. Nếu bạn dùng dưới dạng bột tảo, bạn có thể pha với sinh tố, nước ép để giảm bớt vị đắng nhẹ của tảo.
Lưu ý
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng tảo xoắn:
-
Nếu sinh trưởng trong môi trường bị ô nhiễm, tảo biển Spirulina có thể bị nhiễm các loại kim loại, vi khuẩn có hại và microcystin – độc tố được sản sinh từ một số loại tảo khác. Tảo xoắn Spirulina bị nhiễm độc có thể gây tổn thương gan, buồn nôn, nôn, khát nước, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, sốc và thậm chí gây tử vong, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.
-
Trong một số trường hợp đặc biệt, các protein trong tảo thúc đẩy sản sinh nhiều amoniac hơn, dễ gây rối loạn thận và tạo ra sỏi thận do chứa quá nhiều urê trong cơ thể, tạo áp lực lên thận. Khi thận bị tổn thương, một số dưỡng chất dư thừa trong máu cũng có thể khiến bạn bị phù nề ở tay, chân.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chưa có tài liệu nghiên cứu.