Nicotine
Thuốc Dkvitb - Dược khoa
Thuốc Supvizyn New - HDPHARMA
Thuốc Lycalci - OPV
Thuốc B.Vitab - Danapha
Thuốc Duchat - Panpharma
Thuốc Nutriwell Kid with lysine
Mô tả
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Nicotine (nicotin)
Loại thuốc
- Thuốc dùng để cai thuốc lá. Thuốc dùng trong trường hợp lệ thuộc nicotine.
- Thuốc chủ vận receptor cholinergic ở hạch thần kinh.
Dạng thuốc và hàm lượng
- Miếng dán: 10 mg, 15 mg, 25 mg; 7 mg, 14 mg, 21 mg.
- Viên ngậm: 1mg, 2 mg.
- Dạng kẹo cao su: 2 mg, 4 mg.
- Dạng bột hít: 15 mg.
- Dạng xịt mũi: 10 mg/ml.
- Dạng xịt miệng: 1 mg/lần xịt.
Chỉ định
- Làm giảm cảm giác thèm nicotine và các triệu chứng cai nicotine liên quan đến lệ thuộc thuốc lá.
- Hỗ trợ người hút thuốc muốn bỏ hoặc giảm bớt trước khi ngưng thuốc lá.
- Hỗ trợ phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú đang cố gắng bỏ thuốc lá.
- Điều trị viêm loét đại tràng (nicotine dạng miếng dán trên da).
Dược lực học
Nicotine không có công dụng điều trị mà chỉ là liệu pháp thay thế làm giảm tình trạng lệ thuộc thuốc lá, nicotine.
Do có nhiều tác dụng nên tác động tổng thể phức tạp. Nicotine liên kết tại các vị trí thụ thể trong hệ thần kinh.
Nicotine chủ vận thụ thể nicotinic acetylcholine trên tế bào thần kinh dopaminergic làm mở kênh natri, calci, kali dẫn đến khử cực tế bào, calci đi vào trong tế bào nhiều sẽ giải phóng dopamine. Dopamine gắn trên các thụ thể của nó gây ra đặc tính hưng phấn, gây nghiện. ngoài ra nicotine cũng liên kết với thụ thể nicotinic acetylcholine trên tế bào chomaffin trong tủy thượng thận, dẫn đến sự khử cực tế bào, calci đi vào trong tế bào nhiều nên giải phóng epinephrine dẫn đến co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng đường huyết.
Sử dụng nicotine đường tĩnh mạch gây giải phóng acetylcholine, norepinephrine, dopamine, serotonine, vasopressin, beta endorphin, ACTH.
Động lực học
Hấp thu
- Hấp thu dễ dàng qua đối với các dạng dùng.
- Kẹo cao su: Trung bình 53 - 55%, nồng độ đỉnh đạt được trong vòng 25 - 30 phút.
- Viên ngậm: Nhiều hơn khoảng 25 - 27% liều tương đương được hấp thụ so với kẹo cao su.
- Qua da: Khoảng 68 - 98%, nồng độ đỉnh đạt được trong vòng 2 - 10 giờ.
- Trong mũi: Khoảng 53%, nồng độ đỉnh đạt được trong vòng 4 - 15 phút.
- Hít qua đường miệng: Khoảng 60%, phần lớn được hấp thu qua đường miệng, nồng độ đỉnh đạt được trong vòng 15 - 30 phút.
Phân bố
Nicotine đi qua được nhau thai và được phân bố vào sữa mẹ. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương dưới 5%.
Chuyển hóa
Nicotine được chuyển hóa nhanh chóng ở gan thành hơn 20 chất chuyển hóa chủ yếu ở dạng không có hoạt tính.
Thải trừ
Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa (70 - 90%) và dưới dạng không đổi (10 - 30%). Thời gian bán thải khoảng 2 giờ.
Tương tác thuốc
Tương tác với các thuốc khác
Không có tương tác nào liên quan về mặt lâm sàng giữa liệu pháp thay thế nicotine và các thuốc khác.
Thuốc gây ra co mạch (thuốc cường giao cảm) hoặc giãn mạch (thuốc điều trị tăng huyết áp) có thể thay đổi sự hấp thu nicotine qua da.
Tương tác với thực phẩm
Đồ uống có tính axit (ví dụ: cà phê, nước trái cây, nước ngọt có ga) có thể ức chế sự hấp thụ nicotine từ kẹo cao su, kẹo ngậm, hoặc thuốc hít qua đường miệng.
Chống chỉ định
Nicotine chống chỉ định trong các trường hợp:
- Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với nicotine.
- Người quá mẫn với tinh dầu bạc hà ( đối với dạng dùng ống hít qua miệng).
- Người bị bệnh viêm khớp ở hàm thái dương (đối với dạng dùng kẹo cao su).
Liều lượng & cách dùng
Liều dùng
Người lớn
Bơm xịt định liều qua mũi:
Cai thuốc lá:
Liều ban đầu: 1 - 2 lần xịt (0,5 - 1mg) vào mỗi lỗ mũi/giờ (tổng cộng 1 - 2 mg/giờ), có thể tăng lên tối đa 5 lần xịt (5 mg) trong mỗi lỗ mũi/giờ (tổng liều tối đa 10 mg) hoặc tổng liều tối đa 80 lần xịt (40 mg) mỗi ngày.
Nên sử dụng ít nhất 16 lần xịt (8 mg)/ngày để thuốc phát huy tác dụng, sau đó cá nhân hóa liều lượng dựa trên sự phụ thuốc nicotine hoặc xuất hiện triệu chứng quá liều nicotine. Ở những bệnh nhân đã cai thuốc lá thành công nên tiếp tục sử dụng thêm tối đa 8 tuần, sau đó ngừng điều trị trong 4 - 6 tuần.
Ống hít nicotine qua đường miệng:
Cai thuốc lá:
Liều ban đầu: 6 - 16 hộp/ngày trong tối đa 12 tuần, sau đó giảm liều lượng hàng ngày trong 6 - 12 tuần.
Nên sử dụng ≥ 6 hộp/ngày trong 3 - 6 tuần đầu tiên để thuốc phát huy tác dụng, sau đó cá nhân hóa liều lượng dựa trên sự phụ thuốc nicotine hoặc xuất hiện triệu chứng quá liều nicotine.
Kẹo ngậm:
Cai thuốc lá:
Nếu bệnh nhân hút điếu thuốc đầu tiên > 30 phút sau khi thức dậy:
- Tuần 1 đến tuần 6: Ngậm 1 viên (2 mg) cứ 1 - 2 giờ/lần.
- Tuần 7 đến tuần 9: Ngậm 1 viên (2 mg) cứ 2 - 4 giờ/lần.
- Tuần 10 đến tuần 12: Ngậm 1 viên (2 mg) cứ 4 - 8 giờ/lần.
Nếu bệnh nhân hút điếu thuốc đầu tiên ≤ 30 phút sau khi thức dậy:
- Tuần 1 đến tuần 6: Ngậm 1 viên (4 mg) cứ 1 - 2 giờ/lần.
- Tuần 7 đến tuần 9: Ngậm 1 viên (4 mg) cứ 2 - 4 giờ/lần.
- Tuần 10 đến tuần 12: Ngậm 1 viên (4 mg) cứ 4 - 8 giờ/lần.
Không dùng quá 5 viên ngậm trong 6 giờ hoặc 20 viên/ngày.
Sử dụng ít nhất 9 viên ngậm/ngày trong 6 tuần đầu tiên để tăng khả năng bỏ thuốc.
Ngừng điều trị nếu có các vấn đề về miệng, khó tiêu dai dẳng, đau họng nặng, nhịp tim không đều, đánh trống ngực hoặc các triệu chứng gợi ý dùng quá liều (buồn nôn, nôn, chóng mặt, tiêu chảy, suy nhược và tim đập nhanh).
Kẹo cao su:
Cai thuốc lá:
Bệnh nhân hút < 25 điếu thuốc/ngày:
- Tuần 1 đến tuần 6: nhai 1 miếng kẹo cao su (2 mg) mỗi 2 giờ/lần.
- Tuần 7 đến tuần 9: nhai 1 miếng kẹo cao su (2 mg) mỗi 2 - 4 giờ/lần.
- Tuần 10 đến tuần 12: nhai 1 miếng kẹo cao su (2 mg) mỗi 4 - 8 giờ/lần.
- Ngoài ra, hãy nhai 1 miếng kẹo cao su (2 mg) bất cứ khi nào muốn hút thuốc; không vượt quá 2 miếng (4 mg) mỗi giờ.
Bệnh nhân hút ≥ 25 điếu thuốc/ngày:
- Tuần 1 đến tuần 6: Nhai 1 miếng kẹo cao su (4 mg) mỗi 2 giờ/lần.
- Tuần 7 đến tuần 9: Nhai 1 miếng kẹo cao su (4 mg) mỗi 2 - 4 giờ/lần.
- Tuần 10 đến tuần 12: Nhai 1 miếng kẹo cao su (4 mg) mỗi 4 - 8 giờ/lần.
- Ngoài ra, hãy nhai một miếng 4 mg bất cứ khi nào muốn hút thuốc; không vượt quá 2 miếng (8 mg) mỗi giờ.
Giảm liều bằng cách nhai mỗi miếng chỉ 10 - 15 phút và giảm dần số miếng nhai, hoặc nhai mỗi miếng lâu hơn 30 phút nhưng giảm tổng số miếng mỗi ngày, hoặc thay thế kẹo cao su thông thường bằng một số miếng.
Miếng dán qua da:
Cai thuốc lá:
Bước 1: Bắt đầu sử dụng miếng dán 25 mg/16 giờ, sử dụng hàng ngày trong 8 tuần đầu tiên.
Bước 2: Sử dụng miếng dán 15 mg/16 giờ, sử dụng hàng ngày trong 2 tuần tiếp theo.
Bước 3: Sử dụng miếng dán 10 mg/16 giờ, sử dụng hàng ngày trong 2 tuần còn lại.
Đối với người hút thuốc ít hơn (dưới 10 điếu/ngày) nên bắt đầu bước 2 trong 8 tuần và giảm liều còn 10 mg trong 4 tuần còn lại.
Đối với người gặp phải tác dụng phụ quá mức khi dùng miếng dán 25 mg/16 giờ và không khắc phục được trong vài ngày thì đổi sang dùng miếng dán 15 mg/16 giờ cho đến khi hết liệu trình 8 tuần và chuyển sang miếng dán 10 mg/16 giờ trong vòng 4 tuần tiếp theo. Nếu còn gặp tác dụng phụ thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hỗ trợ giảm hút thuốc/trước khi cai thuốc:
Phác đồ sử dụng tương tự các bước điều trị cai thuốc lá. Những người hút thuốc bắt đầu sử dụng miếng dán 25 mg (bước 1) nên chuyển sang miếng dán 15 mg (bước 2) sau khi lượng tiêu thụ thuốc lá giảm xuống dưới 10 điếu/ngày, lúc này nên tiếp tục dùng miếng dán 15 mg (bước 2) trong 8 tuần và giảm liều xuống 10 mg (bước 3) trong 4 tuần cuối cùng.
Hỗ trợ kiêng thuốc tạm thời:
Dùng miếng dán trong trường hợp không thể hoặc không muốn hút thuốc trong thời gian dài (hơn 16 giờ), nếu thời gian ngắn hơn thì dùng các chế phẩm khác như ống hít hoặc kẹo cao su.
Trẻ em
Miếng dán qua da:
Với người từ 12 đến 18 tuổi: Liều lượng và phương pháp sử dụng giống người trên 18 tuổi, tuy nhiên dữ liệu còn hạn chế ở nhóm tuổi này. Thời gian điều trị khuyến cáo là 12 tuần. Nếu cần điều trị lâu hơn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách dùng
Ống hít nicotine qua đường miệng:
Lấy 1 ống nicotine.
Cầm 2 đầu ống nhựa và vặn ngược lại để mở.
Đưa ống nicotine vào trong sau đó đóng lại.
Đưa ống nicotine lên miệng và hít nông nhanh (chế độ buccal) hoặc hít sâu từ từ (chế độ phổi).
Bơm xịt định liều bằng đường mũi:
Trước khi sử dụng, xịt vào khăn giấy cho đến khi thấy tia xịt mịn (6 - 8 lần)
Vệ sinh mũi trước khi dùng thuốc.
Hơi ngửa đầu về phía sau; đưa đầu xịt vào một bên mũi và dùng tay bịt bên mũi còn lại. Vừa thở bằng miệng vừa xịt một nhát vào lỗ mũi. Lặp lại quy trình này cho lỗ mũi còn lại. Nếu bị chảy nước mũi hãy hít nhẹ để giữ lượng nicotine vừa xịt, đợi 2 - 3 phút trước khi xì mũi.
Tránh tiếp xúc với da, mắt và miệng, nếu có tiếp xúc, rửa sạch bằng nước thường ngay lập tức.
Kẹo cao su:
Nhai thật chậm (thường khoảng 15 lần nhai) cho đến khi cản nhận được vị cay đặc biệt của nicotine, bạc hà, quế, cam hoặc có cảm giác ngứa ran nhẹ.
Sau đó, ngừng nhai và kẹp kẹo ở giữa má và nướu đến khi cảm giác ngứa ran gần như biến mất (khoảng 1 phút), lặp lại quy trình nhai.
Tiếp tục trong khoảng 30 phút hoặc cho đến khi hương vị tan biến. Không nuốt kẹo cao su.
Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì khác ngoài nước trong 15 phút trước và trong khi nhai kẹo cao su. Không nhai nhiều miếng kẹo cao su đồng thời; không nhai quá nhanh hoặc nhai nhiều miếng liên tiếp vì có thể giải phóng quá nhiều nicotine và dẫn đến các tác dụng phụ (ví dụ: choáng váng, buồn nôn, nôn mửa, kích ứng cổ họng và miệng, nấc cụt, khó tiêu).
Kẹo ngậm:
Ngậm cho đến khi tan; không nuốt, cắn hoặc nhai. Để thuốc tan từ từ trong miệng hơn 20 - 30 phút, thỉnh thoảng di chuyển kẹo từ bên ngày qua bên kia bằng lưỡi. Có thể cảm nhận được cảm giác nóng hoặc ngứa ran.
Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì khác ngoài nước trong 15 phút trước và trong khi ngậm kẹo.
Sử dụng trên 1 viên ngậm đồng thời hoặc sử dụng hết viên này đến viên khác không bị gián đoạn có thể dẫn đến tác dụng phụ (ví dụ: nấc cụt, ợ chua, buồn nôn).
Miếng dán qua da:
Sử dụng miếng dán từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ (khoảng 16 giờ), không dán lúc ngủ. Nên thay đổi vị trí dán mỗi ngày, không nên dán cùng một vị trí liên tiếp nhiều ngày.
Rửa tay trước khi dán miếng dán.
Dùng kéo cắt theo đường chỉ. Chọn vùng da sạch khô, không có lông như cánh tay, hông, ngực.
Bóc một phần tấm nhôm bạc, tránh chạm vào mặt dính của miếng dán.
Dùng lòng bàn tay hoặc đầu ngón tay ấn mạnh miếng dán lên vùng da đã chọn.
Chà mạnh các ngón tay quanh mép để đảm bảo miếng dán dính chắc lên vùng da đã chọn.
Sau khi dùng xong, gỡ miếng dán rồi gấp đôi lại, cho vào vỏ bao rồi vứt thùng rác, tránh xa tầm tay của trẻ em và động vật.
Tác dụng phụ
Thường gặp
Chưa có dữ liệu.
Ít gặp
Chưa có dữ liệu.
Hiếm gặp
Chưa có dữ liệu.
Không xác định tần suất
- Dạng kẹo cao su: Khó tiểu, buồn nôn, nấc cụt, tổn thương niêm mạc miệng và/hoặc răng, kích ứng và/hoặc ngứa ran ở lưỡi, miệng và cổ họng, loét niêm mạc miệng, đau cơ hàm; ợ hơi, kẹo dính vào răng, mùi vị khó chịu, chóng mặt, cảm giác lâng lâng, đau đầu, mất ngủ.
- Dạng viên ngậm: Buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi, nhức đầu, nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Miếng dán qua da: Phản ứng tại chỗ bôi thuốc (như ngứa, rát hoặc ban đỏ), tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, khô miệng.
- Bơm xịt định liều bằng đường mũi: Chảy nước mũi, rát họng, chảy nước mắt, hắt hơi, ho.
- Ống hít nicotine qua đường miệng: Khó tiêu, kích ứng hầu họng (ví dụ: ho, kích ứng miệng và cổ họng), viêm mũi, nhức đầu.
Lưu ý
Lưu ý chung
- Ngừng hút thuốc trước khi bắt đầu liệu pháp thay thế nicotine.
- Không nên tự dùng thuốc ở những bệnh nhân tiếp tục hút hoặc nhai thuốc lá, sử dụng thuốc hít hoặc các chế phẩm có chứa nicotine khác, bệnh nhân trong giai đoạn ngay sau MI, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, đau thắt ngực trầm trọng hơn.
- Ngừng điều trị ở những bệnh nhân tiếp tục hút thuốc sau 4 tuần từ khi bắt đầu điều trị; có thể sử dụng lại liệu pháp thay thế nicotine trong những lần bỏ thuốc tiếp theo.
- Nguy cơ ngộ độc nicotine (buồn nôn, tiết nước bọt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thính giác và thị giác, rối loạn tâm thần, suy nhược) và nghiện. Không nên sử dụng liên tục các chế phẩm nicotine.
- Nicotine qua đường mũi có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, co thắt phế quản cấp. Không nên sử dụng thuốc xịt mũi ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn mũi mãn tính (dị ứng, viêm mũi, polyp, viêm xoang), bệnh nhân có bệnh đường thở phản ứng nặng, bệnh nhân bị co thắt phế quản.
- Ngừng ngậm viên ngậm nicotine nếu bị đau họng nghiêm trọng, khó tiêu dai dẳng, thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản.
- Nhai kẹo cao su nicotine trong thời gian dài có thể dẫn đến việc phục hình răng bị dịch chuyển hoặc làm lỏng các lớp phủ hoặc miếng trám răng. Kẹo cao su có thể dính vào răng.
- Tăng insulin hoặc đề kháng insulin có thể xảy ra với liệu pháp thay thế nicotine kéo dài. Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân cường giáp, u pheochromocytoma, hoặc bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin.
- Thận trọng ở bệnh nhân tăng huyết áp vì nguy cơ tăng huyết áp ác tính ở bệnh nhân tăng huyết áp nhanh.
- Để giảm thiểu các triệu chứng cai nghiện và nguy cơ phụ thuộc vào nicotine, hãy ngừng từ từ sau 2 - 3 tháng điều trị.
- Các phản ứng da có thể xảy ra như mày đay, phát ban. Nguy cơ xảy ra cao hơn ở những bệnh nhân mắc một số bệnh da liễu (bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng hoặc nổi mụn nước).
- Thận trọng sử dụng miếng dán nicotine ở bệnh nhân đái tháo đường, suy gan, suy thận, cường giáp không kiểm soát hoặc u thực bào.
- Đối với trẻ em, có thể tử vong do độc tính nghiêm trọng nếu dùng liều nicotin như người lớn và thanh thiếu niên. Không để trẻ em tiếp xúc với sản phẩm, cầm nắm hoặc ăn phải.
- Ngừng hút thuốc có thể dẫn đến sự trao đổi chất chậm hơn nên làm tăng nồng độ thuốc trong máu, điều này có ảnh hưởng trong lâm sàng, cần thận trọng khi dùng các thuốc có cửa sổ trị liệu hẹp như theophylline, clozapine, ropinirole.
- Nếu bệnh nhân có ý định chụp MRI thì phải đợi thuốc đào thải hết khỏi cơ thể để ngăn ngừa nguy cơ bị bỏng.
Lưu ý với phụ nữ có thai
- Nicotine có thể đi qua nhau thai, ảnh hưởng đến khả năng hô hấp và tuần hoàn của thai nhi.
- Tuy nhiên nếu bắt buộc phải dùng nicotine thì ưu tiên loại hít hoặc kẹo cao su, có thể dùng miếng dán nếu có cảm giác buồn nôn/nôn. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú
- Không nên dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú vì nicotine được tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên nếu bắt buộc dùng nicotine thì ưu tiên dạng ống hít hoặc kẹo cao su. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
- Không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Quá liều
Quá liều nicotine và xử trí
Quá liều và độc tính
Các triệu chứng quá liều nicotine có thể xảy ra ở người hút thuốc đã có lượng nhỏ nicotine từ thuốc lá trong cơ thể. Độc tính cấp hoặc mãn tính phụ thuộc chế độ và đường dùng.
Liều tối thiểu gây chết người là 40 - 60 mg. Triệu chứng ngộ độc: buồn nôn, nôn, tăng tiết nước bọt, đau bụng, tiêu chảy, đổ mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn thính giác, suy nhược rõ rệt, nghiêm trọng hơn như hạ huyết áp quá mức, mạch nhanh, yếu không đều, khó thở, trụy tuần hoàn và co giật giai đoạn cuối.
Cách xử lý khi quá liều
Ngừng nicotine ngay lập tức, hô hấp nhân tạo (nếu cần), có thể dùng than hoạt tính để hấp phụ bớt nicotine ở dạ dày ruột.
Quên liều và xử trí
Chưa có dữ liệu.
Tên thuốc: Nicotine
Ngày cập nhật: 25/7/2021