Iodixanol


Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Iodixanol

Loại thuốc

Thuốc cản quang.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch tiêm (270mg/ml; 320mg/ml).

Chỉ định

Iodixanol dung dịch tiêm (270 mgI/mL) được chỉ định để chụp động mạch kỹ thuật số đoạn (trừ nội động mạch); chụp CECT đầu và cơ thể, chụp niệu đồ bài tiết và chụp tĩnh mạch ngoại vi.

Iodixanol dung dịch tiêm (320 mgI/mL) được chỉ định để chụp động mạch (chụp tâm thất trái và chụp động mạch vành chọn lọc), chụp động mạch ngoại vi, chụp động mạch nội tạng và chụp động mạch não; chụp CECT đầu và cơ thể, và chụp niệu đồ bài tiết.

Dược lực học

Iodixanol là một chất cản quang với tia X tan trong nước, có 6 iốt phóng xạ, nhị phân tử, không ion hóa.

Cơ chế tác dụng: Thuốc có khả năng tăng hấp thu X quang khi thuốc đi qua cơ thể, vì vậy làm hiện rõ cấu trúc cơ thể. Mức độ cản quang của thuốc tỷ lệ thuận với toàn lượng (nồng độ và thể tích) chất cản quang có iod trên đường tia X.

Động lực học

Hấp thu và phân bố

Các chất cản quang nội mạch đều có đặc tính dược động học tương tự nhau, đạt trạng thái cân bằng và khuếch tán ngoại mạch nhanh giữa nồng độ trong huyết tương và khoảng kẽ. Thể tích phân bố biểu kiến tương đương với dịch ngoại bào (0,26 l/kg thể trọng), cho thấy iodixanol chỉ được phân bố vào dịch ngoại bào. Tỉ lệ liên kết protein nhỏ hơn 2%.

Chuyển hóa

Không có chuyển hóa, giáng hóa iod và chuyển dạng sinh học được phát hiện trên động vật.

Thải trừ

Nửa đời thải trừ trung bình khoảng 2 giờ. Iodixanol thải trừ chủ yếu qua thận nhờ lọc ở cầu thận. Khoảng 80% liều dùng được phát hiện thấy ở dạng không chuyển hoá trong nước tiểu trong vòng 4 giờ và 97% được phát hiện thấy trong vòng 24 giờ sau khi tiêm tĩnh mạch thuốc cho người tình nguyện khỏe mạnh. Chỉ có khoảng 1,2% liều tiêm được thải trừ qua phân trong vòng 72 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tất cả các chất cản quang iốt đều có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm chức năng tuyến giáp, do khả năng gắn kết iốt của tuyến giáp có thể bị suy giảm cho tới vài tuần.

Nồng độ chất cản quang cao trong huyết thanh và nước tiểu có thể ảnh hưởng tới các xét nghiệm bilirubin, protein hoặc các chất vô cơ (như: Sắt, đồng, calci, phosphat). Do vậy không xét nghiệm các chất này vào ngày thăm khám.

Sử dụng chất cản quang iốt có thể dẫn tới giảm tạm thời chức năng thận và làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic ở bệnh nhân đái tháo đường đang dùng metformin.

Bệnh nhân điều trị interleukin-2 dưới 2 tuần trước khi tiêm chất cản quang iốt tăng nguy cơ bị các phản ứng chậm (triệu chứng giống cúm hoặc phản ứng trên da).

Chống chỉ định

Chống chỉ định tiêm dưới da.

Chống chỉ định với trẻ em nhịn ăn kéo dài và sử dụng thuốc nhuận tràng trước khi tiêm.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Tốc độ tiêm phải xấp xỉ bằng tốc độ dòng chảy trong bình được bơm vào. Thể tích cần thiết sẽ phụ thuộc vào kích thước, tốc độ dòng chảy và tình trạng của bệnh nhân, và vào kỹ thuật hình ảnh được sử dụng.

Tiêm tĩnh mạch iodixanol được khuyến cáo để tăng cường độ tương phản trong đánh giá các tổn thương ung thư và không phải ung thư của đầu và thân (vùng trong lồng ngực, trong ổ bụng và sau phúc mạc), đánh giá chức năng thận và đánh giá của hệ thống tĩnh mạch ngoại vi. Liều lượng được lựa chọn cho các chỉ định khác nhau ở người lớn và bệnh nhân trẻ em được trình bày trong bảng sau.

Liều dùng tiêm động mạch là để tiêm cho 1 lần, sau đó có thể được nhắc lại.

Chỉ định/Thăm khámNồng độThể tích
Tiêm động mạch
Chụp mạch não chọn lọc320 mg I/ml5 - 10 ml mỗi lần tiêm
Chụp động mạch chủ ngoại vi320 mg I/ml40 - 60 ml mỗi lần tiêm
Chụp tim mạch, người lớn320 mg I/ml30 - 60 ml mỗi lần tiêm
Tiêm gốc động mạch chủ và thất trái320 mg I/ml30 - 60 ml mỗi lần tiêm
Chụp động mạch vành chọn lọc320 mg I/ml4 - 8 ml mỗi lần tiêm
Trẻ em320 ml I/mlTuỳ thuộc vào tuổi, cân nặng, bệnh (tổng liều tối đa khuyến cáo 10 ml/kg)

Bảng liều (tiếp):

Chỉ định/Thăm khámNồng độThể tích
Tiêm tĩnh mạch
Chụp tiết niệu
Người lớn320 mg I/ml40 - 80 ml (2)
Trẻ em < 7 kg320 mg I/ml2 - 4 ml/kg
Trẻ em > 7 kg320 mg I/ml2 - 3 ml/kg Tất cả các liều phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và bệnh (tối đa 50ml)
Chụp cắt lớp vi tính tăng cường (CT)
CT đầu, người lớn320 mg I/ml50 - 150 ml
CT cơ thể, người lớn320 mg I/ml75 - 150ml
Trẻ em, chụp cắt lớp vi tính đầu và thân mình320 mg I/ml2 - 3 ml/kg đến 50 ml (trong một số trường hợp có thể dùng liều tới 150 ml)

(2) Trong chụp đường niệu liều cao có thể dùng liều cao hơn.

Chỉ định/Thăm khámNồng độThể tích
Thăm khám đường tiêu hoá Liều được điều chỉnh cho từng bệnh nhân để có thể nhìn thấy rõ nhất
Đường uống
Người lớn320 mg I/ml80 - 200 ml đã được nghiên cứu
Thực quản320 mg I/ml10 - 200 ml
Dạ dày320 mg I/ml20 - 200 ml đã được nghiên cứu
Trẻ em320 mg I/ml5 ml/kg thể trọng, 10 - 240 ml đã được nghiên cứu
Đường trực tràng
Trẻ em320 mg I/ml30 - 400 ml đã được nghiên cứu

Người cao tuổi

Giống như người lớn.

Tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng iodixanol:

Các tác dụng không mong muốn xảy ra khi sử dụng các chất cản quang iốt thường từ nhẹ đến trung bình, xảy ra thoáng qua, ít gặp với các chất không ion hoá hơn so với các chất ion hoá. Các phản ứng nghiêm trọng cũng như tử vong rất hiếm xảy ra.

Biến cố bất lợi hay xảy ra nhất là cảm giác nóng hoặc lạnh toàn thân ở mức độ nhẹ. Nhạy cảm với nhiệt ở chụp mạch ngoại vi hay gặp (tần suất: >1:10), trong khi đau ở các vị trí xa ít gặp (Tần suất < 1:10, và >1:100).

Khó chịu/đau vùng bụng rất hiếm gặp (Tần suất < 1:1000) và các phản ứng đường tiêu hoá như nôn và buồn nôn hiếm gặp (Tần suất < 1:100, và > 1:1000).

Phản ứng quá mẫn đôi khi có thể xảy ra, thường được biểu hiện bằng các triệu trứng trên hô hấp hoặc trên da nhẹ như: khó thở, ban da, ban đỏ, mày đay ngứa và phù mạch. Phản ứng quá mẫn có thể xuất hiện ngay sau khi tiêm hoặc cho tới 7 ngày sau đó. Có tới 1.3% đối tượng trong các thử nghiệm lâm sàng đã bị các phản ứng quá mẫn không nghiêm trọng, xuất hiện chậm (ít nhất là 1 giờ sau khi tiêm), thường là các triệu chứng trên da. Hạ huyết áp và sốt có thể xảy ra. Phản ứng da nghiêm trọng thậm chí nhiễm độc da cũng đã được báo cáo Những biểu hiện nghiêm trọng như phù thanh quản, co thắt phế quản, phù phổi, sốc phản vệ hiếm gặp.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra không phụ thuộc liều dùng hay đường dùng thuốc và các triệu chứng quá mẫn nhẹ có thể là những dấu hiệu ban đầu của một phản ứng nghiêm trọng. Cần ngưng dùng thuốc cản quang ngay lập tức và nếu cần thiết, sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu qua đường mạch. Bệnh nhân sử dụng thuốc chẹn beta có thể xuất hiện những triệu chứng phản vệ không điển hình và có thể nhầm tưởng là phản ứng phế vị.

Các phản ứng phế vị gây hạ huyết áp và nhịp chậm rất hiếm gặp.

Sự nhiễm độc iốt hay “quai bị iodua” là một biến chứng rất hiếm gặp khi sử dụng các chất cản quang iốt, tuyến nước bọt của bệnh nhân bị sưng và đau kéo dài trong khoảng 10 ngày sau khi thăm khám.

Sau khi dùng chất cản quang iốt, tăng nhẹ S-creatinine thoáng qua hay gặp, nhưng thường không có ý nghĩa lâm sàng. Rất hiếm gặp suy thận. Tuy nhiên, tử vong đã được báo cáo ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.

Co thắt động mạch có thể xảy ra sau khi tiêm thuốc vào động mạch vành, động mạch não hoặc động mạch thận dẫn tới thiếu máu thoáng qua.

Phản ứng trên thần kinh rất hiếm gặp. Có thể gồm có đau đầu, chóng mặt, co gịât, rối loạn cảm giác hoặc vận động thoáng qua. Trong một số rất hiếm các trường hợp, chất cản quang có thể qua được hàng rào máu não dẫn tới sự hấp thu chất cản quang vào vỏ não và có thể nhìn thấy trong chụp cắt lớp vi tính cho tới ngày hôm sau, đôi khi có thể đi kèm với lú lẫn hoặc mù do vỏ não thoáng qua.

Biến chứng trên tim cũng rất hiếm gặp, gồm có loạn nhịp, suy nhược hoặc có dấu hiệu thiếu máu. Có thể bị tăng huyết áp.

Huyết khối tĩnh mạch hoặc huyết khối rất hiếm xảy ra sau khi chụp tĩnh mạch. Một số ca đau khớp đã được báo cáo.

Các triệu chứng nghiêm trọng trên đường hô hấp (gồm khó thở, phù phổi không phải do tim) và ho có thể xảy ra.

Nghiên cứu trên đường tiêu hoá: Các phản ứng trên đường tiêu hoá như tiêu chảy, buồn nôn/nôn và đau bụng, phản ứng quá mẫn toàn thân ít xảy ra (<1:10, >1:100).

Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ngừng sử dụng thuốc. Với các phản ứng bất lợi nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng epinephrin, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid…).

Lưu ý

Lưu ý chung

Thận trọng đặc biệt khi sử dụng các chất cản quang không ion nói chung:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng, hen, hoặc có các phản ứng ngoại ý với các chất cản quang iốt phóng xạ. Có thể cân nhắc sử dụng corticosteroid hay kháng histamine H1 và H2 thuốc tiền mê cho các bệnh nhân này.
  • Bệnh nhân bị bệnh tim nặng và tăng áp phổi vì có thể gây ra thay đổi huyết động và loạn nhịp tim.
  • Khi tiến hành thủ thuật đặt catheter vào mạch cần hết sức chú ý đến kỹ thuật chụp mạch và thường xuyên bơm thông catheter (ví dụ bằng nước muối đẳng trương có heparin) để làm giảm nguy cơ huyết khối và tắc mạch do làm thủ thuật.
  • Cần đảm bảo bù nước đầy đủ cho bệnh nhân trước và sau khi dùng chất cản quang. Điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân bị đa u tuỷ, đái tháo đường, giảm chức năng thận cũng như ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Trẻ nhỏ (độ tuổi < 1 tuổi) và đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với sự rối loạn điện giải và thay đổi huyết động học.
  • Bệnh nhân có bệnh mạch não cấp tính, có u não hay có tiền sử động kinh dễ bị co giật và cần được theo dõi đặc biệt.
  • Bệnh nhân nghiện rượu và ma tuý vì tăng nguy cơ bị co giật và các phản ứng thần kinh.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tính an toàn của iodixanol trên phụ nữ mang thai chưa được xác định. Đánh giá các nghiên cứu thử nghiệm trên động vật không cho thấy thuốc có tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp trên khả năng sinh sản, sự phát triển của phôi hay thai, quá trình mang thai , sự phát triển trong thai kỳ và sau khi sinh.

Do vậy, khi có thể, cần tránh tiếp xúc với tia xạ trong thời kỳ mang thai, lợi ích của thăm khám bất cứ loại tia X nào, có hoặc không sử dụng chất cản quang, cần cân nhắc thật thận trọng về nguy cơ có thể xảy ra. Không sử dụng thuốc này cho phụ nữ có thai trừ khi lợi ích vượt trội nguy cơ và cần phải do bác sĩ quyết định.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Mức độ thải trừ vào sữa người chưa được biết, mặc dù được cho là ít. Cần ngừng cho trẻ bú trước khi dùng thuốc và phải chờ ít nhất 24 giờ sau khi dùng iodixanol mới cho trẻ bú lại.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Ít có khả năng xảy ra quá liều ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Khoảng thời gian tiến hành thủ thuật quan trọng đối với sự dung nạp một liều lớn chất cản quang của thận (t½ ~ 2 giờ). Trong trường hợp vô ý dùng quá liều, nước và chất điện giải bị mất phải được truyền bù lại. Chức năng thận cần được theo dõi trong ít nhất 3 ngày kế tiếp. Nếu thực sự cần, có thể thẩm tách máu để loại trừ iodixanol từ cơ thể bệnh nhân. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Tên thuốc: Iodixanol

Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015

EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/3876/smpc

Ngày cập nhật: 27/2/2022

Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ