Icodextrin


Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Icodextrin

Loại thuốc

Dung dịch thẩm phân phúc mạc.

Thành phần

Icodextrin 75 g/L, natri clorid 5,4 g/L, natri S-lactate 4,5 g/L, calci clorid 0,257 g/L, magie clorid 0,051 g/L.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch thẩm phân phúc mạc là dung dịch vô khuẩn chứa 7,5% icodextrin (kl/tt).

Chỉ định

Đây là thuốc kê đơn được khuyến cáo dùng 1 lần mỗi ngày để thay thế sự trao đổi glucose thông thường trong chế độ điều trị bằng kỹ thuật lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD) hoặc lọc màng bụng tự động bằng máy (APD) trong điều trị bệnh thận mạn, đặc biệt ở bệnh nhân không thể áp dụng phương pháp siêu lọc sử dụng dung dịch glucose.

Dược lực học

Icodextrin là một dẫn xuất glucose cao phân tử từ tinh bột ngô, hoạt động như một chất thẩm thấu khi được sử dụng trong phúc mạc để thẩm phân phúc mạc liên tục. Dung dịch có chứa 7,5% icodextrin gần như đẳng trương trong huyết thanh, song vẫn sản sinh mức thể tích siêu lọc liên tục duy trì trong khoảng thời gian lên tới 12 giờ trong kỹ thuật CAPD. Người ta quan sát thấy sự giảm gánh nặng calo tải vào khi điều trị bằng icodextrin so với khi điều trị với các dung dịch thẩm phân từ glucose.

Thể tích siêu lọc sinh ra tương đương với thể tích lọc của dung dịch 3,86% glucose trong kỹ thuật CAPD. Hàm lượng đường huyết và insulin trong máu không bị ảnh hưởng. Siêu lọc được duy trì trong suốt các giai đoạn thẩm phân.

Động lực học

Hàm lượng carbohydrate cao phân tử trong máu duy trì ổn định trong vòng 7-10 ngày khi sử dụng hàng ngày để thẩm phân qua đêm. Các chất cao phân tử bị ly giải bởi men amylase thành các phân đoạn nhỏ hơn, sau đó được thanh thải thông qua lọc màng bụng. Nồng độ đo được của các oligome huyết tương duy trì ổn định ở mức 1,8 mg/ml với các glucose đa phân tử cao hơn 9 (G9) và nồng độ maltose (G2) trong huyết thanh có thể lên tới 1,1 mg/ml, nhưng độ thẩm thấu của huyết thanh không thay đổi đáng kể. Khi điều trị dài ngày, nồng độ maltose trong kỹ thuật APD đã được quan sát tăng tới giá trị 1,4 mg/ml song cũng không thấy dấu hiệu thay đổi độ thẩm thấu huyết thanh nào đáng kể.

Các tác động lâu đài của tình trạng tăng nồng độ maltose và đường cao phân tử trong huyết thanh hiện vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, cũng không có nghiên cứu nào cho thấy các ảnh hưởng này có hại.

Tương tác thuốc

Hiện chưa có các nghiên cứu về tương tác thuốc đối với icodextrin. Nồng độ trong máu của các thuốc có khả năng thẩm tách có thể bị giảm do quá trình lọc màng bụng.

Chống chỉ định

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Dị ứng với các hợp chất cao phân tử dẫn xuất từ tinh bột (ví dụ tinh bột ngô) và/hoặc icodextrin.

Không dung nạp maltose hoặc isomaltose.

Bệnh về dự trữ glycogen.

Nhiễm acid lactic nghiêm trọng từ trước.

Có các tổn thương cơ học không hồi phục.

Đã có tiền sử về tình trạng mất chức năng màng bụng hoặc dính màng bụng ở mức độ rộng gây tổn thương chức năng màng bụng.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Chỉ dùng trong kỹ thuật lọc màng bụng, không dùng tiêm tĩnh mạch. Tiến hành 1 lần trong mỗi 24 giờ.

Nên xác định thể tích cần truyền trong khoảng thời gian 10-20 phút với tốc độ bệnh nhân thấy thoải mái. Đối với bệnh nhân trưởng thành có thể trọng bình thường, thể tích truyền không được vượt quá 2,0L. Với bệnh nhân hơn 70-75kg, có thể truyền đến 2,5L.

Thời gian ngâm dịch đều đặn theo khuyến cáo là từ 6-12 giờ với kỹ thuật CAPD và 14-16 giờ với kỹ thuật APD.

Túi chứa dịch lọc nên được làm ấm tới 37°C để bệnh nhân thoải mái khi truyền. Chỉ sử dụng các biện pháp làm ấm nóng trong điều kiện khô (miếng dán làm ấm, mâm làm nóng). Không làm nóng dung dịch trong nước hoặc lò vi sóng (nguy cơ gây tổn thương cho bệnh nhân hoặc gây cảm giác khó chịu).

Phải đảm bảo vô trùng trong suốt quá trình thẩm phân phúc mạc.

Không sử dụng dung dịch nếu có sự đổi màu, vẩn đục, có các hạt hoặc có dấu hiệu rò rỉ hay túi đựng bị hư hại.

Cần kiểm tra sự có mặt của fibrin hoặc vẩn đục trên ống dẫn lưu, đây là những chất thể hiện dấu hiệu của viêm phúc mạc

Mỗi túi dịch lọc màng bụng chỉ được sử dụng một lần.

Trẻ em

Chưa xác định được tính hiệu quả và an toàn với trẻ em dưới 18 tuổi.

Người già

Liều và cách dùng như với người lớn.

Độc tính

Tác dụng phụ

Thường gặp

Mất nước, giảm thể tích máu; chóng mặt, đau đầu, ù tai; hạ huyết áp, tăng huyết áp; đau bụng; viêm da tróc vảy, phát ban, ngứa; phù ngoại vi, suy nhược.

Ít gặp

Cúm; thiếu máu, tăng bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan; hạ/tăng đường huyết, hạ natri huyết, tăng kali huyết, hạ chlor huyết, hạ magie huyết, chán ăn, giảm protein huyết; suy nghĩ bất thường, lo lắng, căng thẳng; tăng động, dị cảm, mất vị giác; rối loạn tim mạch, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp thế đứng; phù phổi, ho, khó thở, nấc; tắc ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết phúc mạc, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, buồn nôn, nôn, táo bón, rối loạn tiêu hóa, khô miệng, đầy hơi; mề đay, viêm da bóng nước, bệnh vảy nến, loét da, eczema, rối loạn móng, khô da, đổi màu da; đau xương, co thắt cơ, đau cơ, đau cổ; đau thận; đau ngực, phù mặt, phù nề; tăng ALT, AST, phosphate kiềm, chức năng gan bất thường, giảm/tăng cân.

Hiếm gặp

Xơ hóa viêm phúc mạc; hoại tử thượng bì nhiễm độc, phù mạch, bệnh huyết thanh, hồng ban đa dạng, viêm mạch.

Lưu ý

Lưu ý chung

Chỉ được dùng theo đường phúc mạc (trong kỹ thuật lọc màng bụng), không dùng thuốc theo đường tĩnh mạch.

Khi thay túi dịch, cần tuân thủ chặt chẽ tất cả các thao tác chỉ dẫn trong quá trình huấn luyện và phải đảm bảo các vị trí liên kết được nối kín hoàn toàn nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh nhân đái tháo đường cần thường xuyên theo dõi đường huyết và bổ sung insulin để duy trì kiểm soát đường huyết trong quá trình lọc màng bụng. Khi sử dụng icodextrin, không đo đường huyết bằng các phương pháp dựa vào glucose dehydrogenase pyrroloquinoline quinone (GDH- PQQ), glucose-dye-oxidoreductase (GDO) hay sử dụng máy đo đường và que thử dựa vào glucose dehydrogenase flavin-adenine dinucleotide (GDH-FAD) để tránh kết quả bị ảnh hưởng bởi maltose. Kết quả đo đường huyết bằng những phương pháp này có thể bị nhiễu trong vòng 2 tuần sau khi ngừng điều trị với icodextrin. Do đó, cần thực hiện phương pháp đo glucose đặc biệt để đo đường huyết.

Xơ hóa viêm phúc mạc là một biến chứng hiếm gặp của liệu pháp thẩm phân phúc mạc.

Trong trường hợp phúc mạc có các phản ứng không mong muốn (đau bụng, nước thải đục có hoặc không có vi khuẩn) do thuốc, bệnh nhân giữ túi dịch icodextrin cùng số lô và liên hệ với nhân viên y tế để phân tích túi dịch đã dẫn lưu.

Kiểm tra dịch dẫn lưu xem có sự hiện diện của fibrin hoặc có bị vẩn đục không (xác định có nhiễm trùng hay viêm phúc mạc vô khuẩn không). Nếu xảy ra viêm phúc mạc, sử dụng kháng sinh đồ để lựa chọn loại và liều kháng sinh phù hợp. Trước khi có kết quả có thể chỉ định kháng sinh phổ rộng.

Phản ứng quá mẫn nghiêm trọng với icodextrin hiếm khi xảy ra (hoại tử thượng bì nhiễm độc, phù mạch, bệnh huyết thanh, hồng ban đa dạng và viêm mạch). Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng của các phản ứng quá mẫn/phản vệ xảy ra, ngừng truyền ngay lập tức và rút dịch từ các khoang phúc mạc. Áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp như chỉ định lâm sàng.

Cần theo dõi sự xuất hiện tình trạng nhiễm toan trước và trong khi bắt đầu điều trị bằng dịch lọc màng bụng chứa lactate trên bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm toan acid lactic (hạ huyết áp nặng, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, khuyết tật bẩm sinh trong quá trình chuyển hóa, bệnh nhân đang điều trị với thuốc như metformin, nucleoside/thuốc ức chế men sao chép ngược nucleotide – NRTI).

Khi chỉ định điều trị, cần cân nhắc đến các tương tác có thể xảy ra giữa dịch lọc màng bụng với liệu pháp điều trị trực tiếp các bệnh lý khác của người bệnh. Nồng độ kali trong huyết thanh nên được theo dõi cần thận trên các bệnh nhân đang được điều trị với glycosid tim.

Không khuyến cáo sử dụng ở bệnh nhân suy thận cấp.

Protein, acid amin, vitamin tan trong nước và các loại thuốc khác có thể bị mất trong quá trình thẩm phân phúc mạc và có thể phải thay thế.

Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận để tránh tình trạng quá thừa (căng tức bụng, cảm giác đầy bụng, khó thở) hoặc thiếu nước. Tăng cường siêu lọc (đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi) có thể dẫn đến mất nước, gây hạ huyết áp và có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh. Cần theo dõi dữ liệu về cân bằng dịch và trọng lượng cơ thể bệnh nhân.

Theo dõi định kỳ các chỉ số thể dịch, huyết học, các thành phần hóa học của máu, nồng độ các chất điện giải.

Đặc biệt thận trọng khi thẩm phân phúc mạc ở các đối tượng bệnh nhân:

  • Tình trạng ban đầu của màng bụng: Sự can thiệp màng bụng và cơ hoành do phẫu thuật, do dị tật bẩm sinh hoặc từ khi chấn thương cho đến khi lành hoàn toàn, khối u ở bụng, nhiễm trùng thành bụng, thoát vị, rò phân, ruột, hoặc thủ thuật mở thông hồi tràng, phân đoạn phổ biến của viêm ruột thừa, viêm hoặc thiếu máu cục bộ ruột, thận đa nang lớn, các điều kiện khác gây tổn thương đến thành bụng, mặt bụng, khoang ổ bụng;
  • Các tình trạng lâm sàng khác của người bệnh gồm cả vị trí cấy ghép động mạch chủ và bệnh phổi nặng.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai

    Chưa có số liệu về việc dùng thuốc ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, icodextrin không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai và ở phụ nữ có khả năng sinh sản không sử dụng biện pháp tránh thai.

    Hiện chưa rõ ảnh hưởng của thuốc lên khả năng sinh sản.

    Lưu ý với phụ nữ cho con bú

    Chưa có số liệu về các chất chuyển hóa của icodextrin có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Không khuyến cáo sử dụng thuốc trên phụ nữ đang cho con bú.

    Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

    Có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

    Quá liều

    Quá liều và xử trí

    Quá liều và độc tính

    Không có sẵn dữ liệu về ảnh hưởng của quá liều. Tuy nhiên, sử dụng liên tục nhiều hơn một túi icodextrin trong 24 giờ sẽ làm tăng nồng độ chất chuyển hóa carbohydrate và maltose trong huyết tương, có thể xảy ra sự gia tăng độ thẩm thấu huyết tương.

    Cách xử lý khi quá liều

    Rút dịch icodextrin ra khỏi khoang phúc mạc ngay. Lọc màng bụng bằng các dung dịch không chứa icodextrin hoặc thẩm tách máu.

    Quên liều và xử trí

    Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy sử dụng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định. Không dùng icodextrin nhiều hơn 1 lần trong khoảng thời gian 24 giờ.

    Tên thuốc: Icodextrin

  • EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/1819#PRODUCTINFO
  • Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/icodextrin.html
  • Drugbank: https://drugbank.vn/thuoc/Extraneal-Peritoneal-dialysis-solution-with-7-5%25-Icodextrin&VN-18814-15
  • Ngày cập nhât: 01/07/2021

    Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ