Dihydrocodeine
Mô tả
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Dihydrocodeine.
Loại thuốc
Opioid.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén – 30 mg.
Chỉ định
Dihydrocodeine là thuốc giảm đau mức độ trung bình đến nặng như đau dây thần kinh tọa, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp mãn tính, viêm khớp cột sống, bệnh mạch máu ngoại vi, đau dây thần kinh hậu zona, bệnh Paget, bệnh ác tính, đau sau phẫu thuật.
Vì dihydrocodeine, ở liều khuyến cáo, ít gây ức chế hô hấp hoặc không gây ức chế hô hấp, nên việc sử dụng dihydrocodeine trong điều trị đau sau phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ biến chứng trên ngực.
Dược lực học
Dihydrocodeine là một loại thuốc giảm đau có công dụng tương tự như morphin nhưng nó kém hiệu quả hơn, được sử dụng như một loại thuốc giảm đau và chỉ có tác dụng an thần nhẹ.
Dihydrocodeine được chuyển hóa thành dihydromorphine - một chất chuyển hóa có hoạt tính cao có ái lực cao với các thụ thể μ (mu) – opioid.
Động lực học
Hấp thu
Dihydrocodeine được hấp thu tốt sau khi uống. Nồng độ đỉnh trong huyết tương xảy ra 1,6 - 1,8 giờ sau khi uống.
Thời gian bán thải trong huyết tương được báo cáo là 34 giờ sau khi uống.
Phân bố
Sau khi uống, sinh khả dụng của thuốc là khoảng 20%, cho thấy chuyển hóa lần đầu đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm sinh khả dụng của dihydrocodeine.
Chuyển hóa
Được chuyển hóa ở gan bởi CYP 2D6 thành chất chuyển hóa có hoạt tính, dihydromorphine, và bởi CYP 3A4 thành chất chuyển hóa chính thứ cấp, nordihydrocodeine. Chất chuyển hóa chính thứ ba là dihydrocodeine-6-glucuronide.
Thải trừ
Dihydrocodeine được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng thuốc không thay đổi và các chất chuyển hóa. Thời gian bán thải trung bình nằm trong khoảng 3,5 - 5 giờ.
Tương tác thuốc
Tương tác với các thuốc khác
Tác dụng trầm cảm của thuốc giảm đau opioid được tăng cường bởi các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như
- Thuốc mê: Làm tăng tác dụng gây mê và an thần.
- Thuốc gây buồn ngủ, thuốc giải lo âu và thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Tăng cường ức chế thần kinh trung ương.
- Thuốc chống loạn thần: Hạ huyết áp quá mức và tăng cường tác dụng an thần.
- MAOI dùng chung với pethidine có liên quan đến kích thích thần kinh trung ương nghiêm trọng hoặc trầm cảm. Mặc dù điều này chưa được ghi nhận với dihydrocodeine, nhưng có thể xảy ra tương tác tương tự với các thuốc giảm đau opioid khác. Do đó, nên tránh sử dụng dihydrocodeine khi bệnh nhân đang dùng MAOI và trong 2 tuần sau khi ngừng MAOI.
-
Nên tránh sử dụng đồng thời dihydrocodeine và ritonavir do nguy cơ độc tính.
Dihydrocodeine có thể đối kháng với tác dụng trên tiêu hóa của metoclopramide và domperidone.
Cyclizine có thể làm mất lợi ích về huyết động học của opioid.
Dihydrocodeine có thể làm chậm sự hấp thu của mexiletine.
Cimetidine có thể ức chế sự chuyển hóa của opioid.
Thuốc an thần như benzodiazepin hoặc các thuốc liên quan: Việc sử dụng đồng thời opioid với thuốc an thần như benzodiazepin hoặc các thuốc liên quan làm tăng nguy cơ an thần, ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong vì gia tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Liều lượng và thời gian sử dụng đồng thời nên được giới hạn.
Tương tác với thực phẩm
Rượu: Hạ huyết áp quá mức, tăng tác dụng an thần và ức chế hô hấp.
Chống chỉ định
Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với dihydrocodeine.
Suy hô hấp.
Bệnh tắc nghẽn đường thở.
Nghiện rượu cấp tính.
Nguy cơ liệt ruột.
Chấn thương đầu hoặc tình trạng tăng áp lực nội sọ.
Liều lượng & cách dùng
Người lớn
Liều 30mg thuốc Dihydrocodeine mỗi 4 đến 6 giờ khi cần thiết sau khi ăn. Liều tối đa trong 24 giờ 180mg.
Trẻ em
Trẻ em trên 12 tuổi: Sử dụng như liều thuốc Dihydrocodeine cho người lớn.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Đối tượng khác
Người lớn tuổi: Cần giảm liều.
Tác dụng phụ
Thường gặp
Chưa có dữ liệu.
Ít gặp
Hội chứng cai thuốc.
Hiếm gặp
Chưa có dữ liệu.
Không xác định tần suất
Phát ban, mày đay, ngứa, đổ mồ hôi. Buồn ngủ, thay đổi tâm trạng, lú lẫn, rối loạn chức năng tình dục, ảo giác, hưng phấn, lệ thuộc thuốc. Loạn cảm, chóng mặt, nhức đầu, chóng mặt, ức chế hô hấp, cứng cơ (khi dùng liều cao). Suy giảm thị lực hay mất thị lực, co đồng tử. Nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực. Tụt huyết áp, ngất, đỏ bừng mặt. Khô miệng, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón. Co thắt đường mật. Tiểu ra máu, co thắt niệu quản. Phù nề.
Lưu ý
Lưu ý chung khi dùng Dihydrocodeine
Lệ thuộc, dung nạp và lạm dụng thuốc.
Sử dụng thuốc kéo dài có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc (gây nghiện) ngay cả ở liều điều trị. Nguy cơ này tăng lên ở những người có tiền sử rối loạn vì lạm dụng chất gây nghiện (bao gồm cả nghiện rượu) hoặc rối loạn tâm thần (như trầm cảm nặng).
Việc điều trị với dihydrocodeine có thể kém hiệu quả hơn khi sử dụng thuốc lâu dài và cần tăng liều để đạt được mức độ kiểm soát cơn đau như ban đầu, đây là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang dung nạp thuốc.
Lạm dụng dihydrocodeine có thể dẫn đến quá liều và/ hoặc tử vong.
Hội chứng cai thuốc có thể xảy ra khi ngừng điều trị đột ngột hoặc khi giảm liều. Khi bệnh nhân không cần điều trị nữa, nên giảm liều dần dần để giảm thiểu các triệu chứng cai thuốc. Giảm dần từ liều cao có thể mất vài tuần đến vài tháng.
Hội chứng cai thuốc đặc trưng bởi một số hoặc tất cả các biểu hiện sau: Bồn chồn, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngáp, đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau cơ, giãn đồng tử và đánh trống ngực. Các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra bao gồm khó chịu, kích động, lo lắng, tăng vận động, run, suy nhược, mất ngủ, chán ăn, đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng huyết áp, tăng nhịp hô hấp hoặc nhịp tim.
Chứng tăng cảm đau có thể xảy ra khi bệnh nhân điều trị opioid dài hạn có biểu hiện đau tăng lên. Cơn đau liên quan đến tăng trương lực có xu hướng lan tỏa hơn cơn đau đã có trước đó. Các triệu chứng này có thể giảm khi giảm liều opioid.
Cần thận trọng hoặc nên giảm liều khi sử dụng dihydrocodeine cho bệnh nhân hen suyễn, bệnh nhân suy nhược, suy vỏ thượng thận, tăng sản tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, hạ huyết áp, sốc, rối loạn viêm hoặc tắc ruột, suy giáp hoặc rối loạn co giật. Tránh dùng trong cơn hen cấp tính.
Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận nên tránh sử dụng hoặc giảm liều dihydrocodeine nếu việc sử dụng thuốc là cần thiết.
Nên tránh uống rượu khi đang điều trị bằng dihydrocodeine.
Sử dụng đồng thời dihydrocodeine và các loại thuốc an thần như benzodiazepine hoặc các thuốc liên quan có thể dẫn đến an thần quá mức, ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong. Do những rủi ro trên, chỉ kê đơn đồng thời dihydrocodeine với những loại thuốc an thần này cho những bệnh nhân không còn lựa chọn điều trị thay thế nào khác. Nếu quyết định kê đơn dihydrocodeine đồng thời với các thuốc an thần, nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và thời gian điều trị càng ngắn càng tốt.
Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp.
Lưu ý với phụ nữ có thai
Sử dụng thường xuyên trong thời kỳ mang thai có thể gây lệ thuộc thuốc ở thai nhi, dẫn đến các triệu chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh.
Nếu phụ nữ mang thai phải sử dụng opioid trong thời gian dài, hãy tư vấn cho bệnh nhân về nguy cơ mắc hội chứng cai opioid ở trẻ sơ sinh và đảm bảo rằng sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
Dùng thuốc trong quá trình chuyển dạ có thể làm giảm hô hấp ở trẻ sơ sinh và nên có sẵn thuốc giải độc cho trẻ.
Lưu ý với phụ nữ cho con bú
Không nên dùng cho phụ nữ cho con bú vì dihydrocodeine có thể tiết vào sữa mẹ và có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
Thuốc có thể làm suy giảm nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng lái xe an toàn của bệnh nhân.
Thuốc có thể gây loạn cảm, chóng mặt, cứng cơ, rối loạn thị giác, buồn ngủ, lú lẫn, ngất và ảo giác. Không lái xe hoặc vận hành máy móc nếu bị ảnh hưởng.
Quá liều
Quá liều và xử trí
Quá liều Dihydrocodeine và độc tính
Triệu chứng: Suy nhược hệ thần kinh trung ương, bao gồm cả ức chế hô hấp nhưng không nghiêm trọng trừ khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác, bao gồm cả rượu, hoặc quá liều là rất lớn. Con ngươi có thể có kích thước như đầu đinh. Buồn nôn và ói mửa là phổ biến. Hạ huyết áp và nhịp tim nhanh là có thể xảy ra nhưng hiếm.
Cách xử lý khi quá liều Dihydrocodeine
Điều trị hỗ trợ và triệu chứng chung bao gồm thông đường thở và theo dõi các dấu hiệu quan trọng cho đến khi ổn định. Cân nhắc sử dụng than hoạt nếu người lớn sử dụng trong vòng một giờ sau khi uống hơn 350 mg hoặc trẻ em hơn 5 mg/kg. Có thể điều trị bằng naloxone hydrochloride 0,4 mg đến 2 mg tiêm dưới da, lặp lại theo yêu cầu cách nhau 2 hoặc 3 phút.
Cho naloxone nếu có hôn mê hoặc suy hô hấp. Naloxone là một chất đối kháng cạnh tranh và có thời gian bán hủy ngắn nên có thể phải dùng liều lượng lớn và lặp lại ở bệnh nhân bị ngộ độc nặng. Quan sát ít nhất 4 giờ sau khi uống, hoặc 8 giờ nếu sử dụng thuốc phóng thích kéo dài.
Quên liều và xử trí
Vì dihydrocodeine được sử dụng khi cần thiết, có thể không theo lịch trình dùng thuốc.
Tên thuốc: Dihydrocodeine
Ngày cập nhật: 30/9/2021