Kim tiền thảo


Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Kim tiền thảo.

Tên khác: Đồng tiền lông; Mắt trâu; Vảy rồng; Dây sâm lông; Bươm bướm; Cỏ đồng tiền vàng.

Tên khoa học: Desmodium styracifolium, họ đậu Fabaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Kim tiền thảo là cây dạng thân thảo, mọc bò về sau thì dạng đứng thẳng, cây cao tầm 0,3 đến 0,5m. Thân và lá có lông tơ trắng, ngọn non dạng dẹt, có khía. Lá Kim tiền thảo có lông, mọc ó le, gồm 1 hoặc 3 lá chét hình tròn (1 lá chét là phổ biến hơn), gốc lá bằng hoặc dạng hình tim, đầu lá tù hoặc lõm vào; mặt trên lá có màu lục xám nhạt, gân lá rất rõ, mặt dưới lá phủ nhiều lông trắng màu bạc, mềm mịn tương tự nhung, cuống lá dài khoảng 1 - 2cm.

Hoa màu hồng hoặc hồng tím, cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành từng chùm, lá bắc rụng sớm, đài hoa dạng đài 4 răng đều, có lông ngắn, tràng hình bầu dục, nhị 2, bầu hơi có lông. Quả đầu cong, hạt có lông. Mùa ra hoa và quả của Kim tiền thảo từ tháng 3 đến tháng 5.

Kim tiền thảo dạng cây thảo, có tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi thận

Phân bố, thu hái, chế biến

Kim tiền thảo được tìm thấy phổ biến ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Tại Việt nam, thường tìm thấy Kim tiền thảo tại các tỉnh trung du miền núi phía bắc, các vùng núi thấp, các tỉnh từ Nghệ An trở ra bắc. Một số tỉnh tại Việt Nam có nhiều Kim tiền thảo bao gồm các tỉnh như: Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tây, Hòa Bình. Tuyên Quang…

Kim tiền thảo dạng cây ưa ẩm, ưa sáng, tuy nhiên chúng cũng có khả năng sống tại các vùng khô hạn. Kim tiền thảo mọc thành từng đám ven những nương rẫy mới bỏ hoang hoặc nhưng vùng ven rừng. Kim tiền thảo ra hoa quả hàng năm, khi quả chín hạt tự mở để thoát ra ngoài để tiếp tục lớn lên và sinh trưởng ở những vùng đất khác. Vào mùa đông cây rụng lá và tàn lụi. Cây con bắt đầu đâm chồi mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

4 - 5 năm trở lại đây, do khai thác liên tục, nguồn Kim tiền thảo ở Việt Nam giảm đi rõ rệt. Một số vùng trước kia có nhiều như huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Đại Từ (Thái Nguyên), ngày nay trở nên hiếm.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được là phần trên mặt đất, thu hái vào mùa hạ, thu, loại tạp chất, phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hoá học

Flavonoids: Kaempferol, quercetin, vicenin 1, vicenin 2, vicenin 3, astragalin, schaftoside, isoschaftoside, vitexin, isovitexin.

Alkaloids: Desmodimine, desmodilactone, …

Terpenoids: Lupeol, soyasapogenol B, soyasapogenol E, soyasaponin I, …

Ngoài ra còn có: các hợp chất Steroides, Phenolic acid, Polysaccharid, Tinh dầu dễ bay hơi.

Kim tiền thảo được trồng và thu hái ở Việt Nam có fIavonoid 0,46 % và saponin 3,1 %.

Cây Kim tiền thảo

Liều dùng & cách dùng

Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc nước uống.

Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, suy thận, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm.

Liều dùng: Mỗi ngày uống 15 – 30g, sắc nước uống.

Lưu ý

Kim tiền thảo là vị thuốc phổ biến ít tác dụng phụ nhưng cần lưu ý khi sử dụng như sau:

Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu: Không được dùng cho những người tỳ hư, tiêu chảy, phụ nữ mang thai,...

Uống vào lúc no đối với người bị đau dạ dày.

Kim tiền thảo là một trong những giải pháp hiệu quả và an toàn cho người bị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên người bệnh cần phải có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh kết hợp với dùng thuốc để có hiệu quả tối ưu nhất. Nên uống nhiều nước tinh khiết và tránh ăn quá mức thực phẩm chứa nhiều oxalat hoặc axit oxalic, như cà phê, ca cao, trà, đại hoàng, sô cô la, rau bina và các thực phẩm thực vật khác… để giảm sự tích tụ các thành phần tạo sỏi.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa sỏi đường tiết niệu

Phối hợp các dược liệu: Kim tiền thảo 30g, Đông quỳ tử 15g, Xuyên phá thạch 15g, Hải kim sa 15g (gói trong vải), Hoạt thạch 15g, Hoài ngưu tất 12g. Sắc nước uống.

Hoặc phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 30g; Chích sơn giáp, Thanh bì, Ô dược, Đào nhân mỗi vi 10g; Xa tiền tử 15g; Xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.

Hoặc phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 40g, Mã đề 20g, Uất kim 12g, Ngưu tất 12g, Tỳ giải 20g, Trạch tả 12g, Kê nội kim 8g. Các vị trên sau khi chuẩn bị tiến hành cắt nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn lại 100ml uống mỗi ngày 2 lần trong ngày. Có thể thêm nhọ nồi 16g nếu tiểu ra máu. Hoặc Kim tiền thảo, Mã đề, rễ Dền gai (sao vàng), rễ Thiên lý, vỏ Bí đao, rễ Cỏ tranh, Dâu đen (sao thơm); mỗi vị 12g, sắc nước uống.

Chữa sỏi đường mật

Phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 30g, Chỉ xác (sao) 10 - 15g, Hoàng tinh 10g, Sinh đại hoàng 10g, Xuyên luyên tử 10g. Sắc nước uống.

Hoặc dùng theo các nguyên liệu sau: Kim tiền thảo 20g; Nghệ vàng 8g; Cỏ xước 20g; Rau má tươi 20g; Hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; Mề gà 6g; Hải tảo 8g; nước 500 ml. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, sau đó tiến hành sắc còn 200ml, uống một lần lúc đói, hoặc sắc uống làm hai lần trong ngày.

Chữa viêm thận, viêm gan, viêm túi mật, phù

Phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 40g; Dành dành, Chút chít, mỗi vị 10g, Mộc thông, Ngưu tất mỗi vị 20g; sắc uống, ngày một thang.

Kim tiền thảo được sử dụng phổ biến trong hỗ trợ điều trị sỏi thận
  • Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/kim-tien-thao.html

  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.

  • Những cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.

  • Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ