Carbimazole


Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Carbimazole (Carbimazol)

Loại thuốc

Thuốc kháng giáp, dẫn chất thioimidazol

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 5 mg, 10 mg, 15 mg, 20 mg

Chỉ định

  • Điều trị triệu chứng cường giáp (kể cả bệnh Graves-Basedow).
  • Điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp, cho tới khi chuyển hóa cơ bản bình thường, để đề phòng cơn nhiễm độc giáp có thể xảy ra khi cắt bỏ tuyến giáp bán phần.
  • Điều trị bổ trợ trước và trong khi điều trị iod phóng xạ (131I) cho tới khi liệu pháp này có tác dụng loại bỏ tuyến giáp.
  • Điều trị cơn nhiễm độc giáp (propylthiouracil thường được chỉ định hơn) trước khi dùng liệu pháp iodid. Thường dùng đồng thời với một thuốc chẹn beta, đặc biệt khi có các triệu chứng tim mạch (ví dụ, nhịp tim nhanh).

Dược lực học

Carbimazol là một thuốc kháng giáp, dẫn chất thioimidazol (imidazol có lưu huỳnh). Trong cơ thể, carbimazol bị chuyển hóa nhanh và hoàn toàn thành thiamazol.Vì vậy, cơ chế tác dụng của carbimazol cũng là cơ chế của thiamazol.

Thuốc ức chế tổng hợp hormon giáp bằng cách ngăn cản iod gắn vào gốc tyrosyl của thyroglobulin và cũng ức chế sự kết hợp hai gốc iodotyrosyl thành iodothyronin. Thuốc không ức chế tác dụng của hormon giáp đã

hình thành trong tuyến giáp hoặc có trong tuần hoàn, không ức chế giải phóng hormon giáp, cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả của hormon giáp đưa từ ngoài vào. Do đó, carbimazol không có tác dụng trong nhiễm độc do dùng quá liều hormon giáp.

Carbimazol không chữa được nguyên nhân gây ra cường giáp và thường không được dùng kéo dài để điều trị cường giáp.

Động lực học

Hấp thu

Carbimazol hấp thu nhanh (15 - 30 phút) qua đường tiêu hóa sau khi uống. Trong cơ thể, carbimazol được chuyển hóa nhanh và hoàn toàn thành thiamazol.

Trong máu, thường chỉ xác định được thiamazol, không xác định được carbimazol. Do đó, dược động học của carbimazol chỉ khác thiamazol ở giai đoạn chuyển từ carbimazol thành thiamazol. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 1 - 2 giờ sau khi uống.

Phân bố

Thuốc tập trung nhiều vào tuyến giáp. Thể tích phân bố là 40 lít. Thuốc liên kết với protein trong huyết tương không đáng kể.

Thiamazol (chất chuyển hóa có hoạt tính của carbimazol) qua được hàng rào nhau thai và tiết được vào sữa mẹ với nồng độ bằng nồng độ trong huyết tương của mẹ.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa chủ yếu qua gan. Nửa đời thải trừ khoảng 3 - 6 giờ. Nửa đời thải trừ có thể tăng khi bị suy gan hoặc suy thận.

Thải trừ

Thuốc được thải trừ qua nước tiểu khoảng 80% liều dùng dưới dạng các chất chuyển hoá, khoảng 7% ở dạng thiamazol; không thấy dạng carbimazol.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Với aminophylin, oxtriphylin, theophylin, glycosid trợ tim, thuốc chẹn beta: Khi cường giáp, sự chuyển hóa các thuốc này tăng lên. Dùng carbimazol, nếu tuyến giáp trở về bình thường, cần giảm liều các thuốc này.

Với amiodaron, iodoglycerol, iod hoặc kali iodid: Các thuốc có iod làm giảm đáp ứng của cơ thể với carbimazol, vì vậy phải dùng tăng liều carbimazol (amiodaron có 37% iod).

Với thuốc chống đông dẫn chất coumarin hoặc indandion: Carbimazol có thể làm giảm prothrombin huyết, nên làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông uống. Do đó, cần điều chỉnh liều thuốc chống đông dựa vào thời gian prothrombin.

Iod phóng xạ 131I: Thuốc kháng giáp có thể làm tuyến giáp giảm hấp thu 131I. Hấp thu 131I có thể tăng trở lại sau khi ngừng đột ngột thuốc kháng giáp 5 ngày.

Dùng đồng thời prednisolone và carbimazole có thể làm tăng độ thanh thải của prednisolone.

Carbimazole có thể ức chế sự chuyển hóa của erythromycin, dẫn đến giảm độ thanh thải của erythromycin.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với carbimazol hoặc các dẫn chất thioimidazol như thiamazol.
  • Bệnh nhân có tiền sử viêm tụy cấp sau khi dùng carbimazole hoặc chất chuyển hóa có hoạt tính của carbimazole là thiamazole.
  • Ung thư tuyến giáp phụ thuộc TSH.
  • Suy tủy, giảm bạch cầu nặng.
  • Suy gan nặng.

Liều lượng & cách dùng

Carbimazol không thể điều trị được nguyên nhân gây cường giáp. Vì vậy, nếu sau khi dùng thuốc được 12 đến 18 tháng (thường dưới 24 tháng) mà tình trạng nhiễm độc giáp vẫn còn thì phải cắt bỏ giáp hoặc dùng iod phóng xạ.

Người lớn

Liều khởi đầu tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Thông thường, với người lớn là 15 - 40 mg, có thể dùng đến 60 mg mỗi ngày, tùy theo cường giáp nhẹ, vừa hoặc nặng. Thường chia làm 3 lần uống, cách nhau 8 giờ vào bữa ăn. Nhưng cũng có thể dùng 1 - 2 lần trong ngày.

Carbimazol thường cải thiện được triệu chứng bệnh sau 1 - 3 tuần, và chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường sau 1 - 2 tháng. Khi hoạt động tuyến giáp của người bệnh trở về bình thường thì giảm liều dần, cho đến liều thấp nhất mà vẫn giữ được chức năng tuyến giáp bình thường. Thông thường, liều duy trì là 5 - 15 mg mỗi ngày tùy theo người bệnh.

Trẻ em

Trẻ sơ sinh cho đến 12 tuổi dùng liều khởi đầu 0,25 mg/kg mỗi lần, ngày 3 lần.

Trẻ 12 - 18 tuổi có thể dùng liều khởi đầu 10 mg mỗi lần, ngày 3 lần. Sau đó điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng lâm sàng, có thể dùng liều cao hơn trong trường hợp nhiễm độc giáp nặng. Sau một thời gian điều trị, khi thấy các biểu hiện lâm sàng giảm, xác định hàm lượng các hormon giáp, nếu thấy bình thường thì có thể ngừng thuốc. Nếu sau khi ngừng thuốc mà bệnh tái phát, phải dùng thuốc trở lại, hoặc điều trị bằng phương pháp khác.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Dị ứng, ban da, ngứa, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hoá, giảm bạch cầu thường nhẹ và vừa, nhức đầu, sốt vừa và thoáng qua.

Ít gặp

Suy tuỷ, mất bạch cầu hạt với các biểu hiện sốt nặng, ớn lạnh, nhiễm khuẩn họng, ho, đau miệng, giọng khàn, giảm prothrombin huyết, gây thiếu máu tiêu huyết, đau khớp, viêm khớp, đau cơ, rụng tóc, hội chứng kiểu lupus ban đỏ.

Hiếm gặp

Nhức đầu, sốt nhẹ, mất vị giác, ù tai, giảm thính lực, vàng da ứ mật, viêm gan, viêm cầu thận, dùng liều cao và kéo dài có thể gây giảm năng giáp, tăng thể tích bướu giáp.

Không xác định tần suất

Bầm tím, sưng tuyến nước bọt cấp tính, viêm tụy cấp, viêm dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh, hội chứng tự miễn insulin (với sự suy giảm rõ rệt về mức đường huyết), phù mạch và phản ứng quá mẫn đa hệ thống như viêm mạch ở da, ảnh hưởng đến gan, phổi và thận, suy tủy xương bao gồm giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu và mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu/thiếu máu bất sản và giảm tiểu cầu cô lập, nổi hạch toàn thân,…

Lưu ý

Lưu ý chung

Phải có thầy thuốc chuyên khoa chỉ định sử dụng và theo dõi trong suốt quá trình điều trị.

Cần theo dõi số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu, chức năng gan trước khi bắt đầu điều trị và hàng tuần trong 6 tháng đầu điều trị vì có thể xảy ra suy tủy, giảm bạch cầu nặng, nhất là người bệnh cao tuổi hoặc dùng liều từ 40 mg mỗi ngày trở lên.

Theo dõi thời gian prothrombin trước và trong quá trình điều trị nếu thấy xuất huyết, đặc biệt là trước phẫu thuật.

Phải hết sức thận trọng khi dùng carbimazol cho người đang dùng các thuốc đã biết là dễ gây mất bạch cầu hạt.

Dùng thuốc kháng giáp liều quá cao có thể gây ra giảm năng giáp và bướu giáp.

Có khả năng xảy ra mẫn cảm chéo giữa các thuốc kháng giáp (khoảng 50%).Vì vậy, cần lưu ý khi thay đổi thuốc.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Dạng chuyển hóa còn hoạt tính của carbimazol là thiamazol qua được nhau thai, nên có thể gây hại cho thai nhi (bướu cổ, giảm năng giáp, một số dị tật bẩm sinh), nhưng nguy cơ thực sự thường thấp, đặc biệt khi dùng liều thấp. Một số dị tật bẩm sinh đã được báo cáo gồm: Chứng hẹp cửa mũi sau và chứng ngừng phát triên da bẩm sinh, dị tật bẩm sinh về thận, hộp sọ, tim mạch, khối u, dị dạng đường tiêu hóa, dị dạng rốn và sa tá tràng.

Cần cân nhắc lợi/hại giữa điều trị và không điều trị. Trong trường hợp phải điều trị, propylthiouracil thường được chọn dùng hơn, vì thuốc qua nhau thai ít hơn thiamazol.

Khi dùng carbimazol, phải dùng liều thấp nhất có hiệu lực để duy trì chức năng giáp của người mẹ ở mức cao trong giới hạn bình thường của người mang thai bình thường, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Giảm năng giáp và bướu cổ ở thai nhi thường xảy ra khi dùng thuốc kháng giáp tới gần ngày sinh, vì tuyến giáp thai nhi chưa sản xuất hormon giáp cho tới tuần thứ 11 hoặc 12 của thai kỳ.

Tăng năng giáp có thể giảm ở người mẹ khi thai phát triển nên ở một số người có thể giảm liều carbimazol, có khi ngừng điều trị trong 2 - 3 tháng trước khi đẻ.

Hormon giáp qua nhau thai rất ít, nên ít có khả năng bảo vệ cho thai nhi. Không nên dùng các hormon giáp trong khi mang thai, vì thuốc có thể che lấp các dấu hiệu thoái lui của cường giáp và tránh được tăng liều carbimazol một cách vô ích, gây thêm tác hại cho mẹ và thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thiamazol là chất chuyển hóa của carbimazol bài tiết được vào sữa mẹ, có thể gây tai biến cho trẻ, vì nồng độ thiamazol trong huyết thanh và sữa mẹ gần bằng nhau.

Nếu mẹ cần sử dụng thuốc thì phải dùng liều thấp nhất có tác dụng và phải sau khi uống thuốc được 4 giờ mới cho con bú.

Một nghiên cứu dùng liều mỗi ngày 15 mg carbimazol, hoặc 10 mg thiamazol, hoặc 150 mg propylthiouracil, và cho trẻ bú sau khi uống thuốc 4 giờ, chưa thấy tác hại cho trẻ. Chắc chắn hơn, nếu mẹ dùng thuốc thì không cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Vì tác dụng phụ của thuốc có thể gây nhức đầu nên cẩn thận khi lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều Carbimazole và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Dùng liều cao và kéo dài carbimazol sẽ gây ra rất nhiều tai biến như đã nêu ở phần tác dụng không mong muốn, nhưng mức độ nặng hơn. Nghiêm trọng nhất là suy tủy, mất bạch cầu hạt; đặc biệt là có thể dẫn đến tăng TSH, giảm năng tuyến giáp, tăng thể tích bướu giáp.

Cách xử lý khi quá liều

Cần chăm sóc bằng các biện pháp y tế, điều trị triệu chứng, có thể phải dùng kháng sinh hoặc corticoid, truyền máu nếu suy tủy và giảm bạch cầu nặng.

Dược thư Quốc gia Việt nam 2015

  • Emc: https://www.medicines.org.uk/emc/product/10328/smpc
  • Drugs.com: https://www.drugs.com/international/carbimazole.html
  • Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ