Bạch linh
Thuốc Cao lỏng Bát trân xuân nữ
Thuốc Sâm nhung bổ thận P/H
Thuốc Ngũ canh tả P/H - Phúc Hưng
Thuốc Táo kết hoàn P/H
Thuốc Khang Minh bát trân nang
Thuốc Sotinin (gia hạn lần 1)
Thuốc Babyhealth - Mediplantex
Thuốc Bổ tỳ Nam dược
Thuốc Thang đại bổ - Phúc Hưng
Thuốc bổ cổ truyền - Phúc Hưng
Thuốc Hoàn xích hương - Agimexpharm
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Bạch linh.
Tên gọi khác: Bạch phục linh, Phục linh.
Tên khoa học: Poria cocos Wolf.
Chi Wolfiporia, họ Polyporaceae, bộ Polyporales.
Đặc điểm tự nhiên
Bạch linh còn được gọi với tên khác là Phục linh hoặc Bạch phục linh. Vị thuốc này là nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông. Phục linh có tên như vậy vì người ta quan niệm rằng đây là linh khí của cây thông ẩn mình dưới đất.
Về hình dáng, quả nấm Bạch Phục linh khô có nhiều dạng như hình cầu, hình thoi, hình ê líp hoặc khối không đều, kích thước thường không đồng nhất. Vỏ ngoài có màu nâu đến nâu đen và nhiều vết sần lồi lõm. Quả nấm thường khá nặng và rắn chắc. Khi bẻ ra, bên trong có thể quan sát được phần lõi khá sần sùi màu trắng, lớp viền ngoài màu nâu nhạt, một số ít quả nấm có lõi màu hồng nhạt. Nấm Bạch phục linh thường không mùi, vị nhạt, cắn dính răng.
Vị thuốc Bạch linhPhân bố, thu hái, chế biến
Phân bố: Có thể tìm thấy nấm Bạch phục linh trong một số rừng thông ở nơi có khí hậu mát mẻ của nước ta. Tuy nhiên, vị thuốc này đa phần được nuôi trồng, khai thác và chế biến chủ yếu tại Trung Quốc.
Thu hái: Thời gian thu hoạch nấm Phục linh tốt nhất là từ tháng 7 đến tháng 9. Sau khi loại bỏ đất cát, người ta chất đống cho quả nấm ra mồ hôi rồi trải ra chỗ thoáng gió để hong khô cho se bề mặt. Sau đó, họ tiếp tục chất đống và ủ vài lần cho đến khi khô nước hoàn toàn và bề mặt nhăn nheo, phơi âm can (phơi bóng râm) đến khô.
Chế biến: Trước khi dùng, người ta ngâm Phục linh vào nước, rửa sạch, đồ cho vị thuốc mềm rồi gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm, sau đó phơi hoặc sấy khô. Tuỳ theo bộ phận sử dụng, hình thái và màu sắc mà vị thuốc này được gọi khác nhau như:
- Bạch phục linh;
- Phục linh bì;
- Xích phục linh;
- Phục linh khối;
- Phục linh phiến.
Bảo quản: Nơi khô mát, tránh ẩm. Nếu độ ẩm không đạt tiêu chuẩn (quá khô hoặc quá ẩm) nhiệt độ quá nóng thì dược liệu có thể bị vụn nát, mất đi chất lượng và tính kết dính của nó.
Bạch linh sau khi được chế biếnBộ phận sử dụng
Thể quả nấm Phục linh được sử dụng tùy thuộc vào mục đích của bác sĩ Y học cổ truyền. Một số dạng sử dụng bao gồm:
- Bạch linh: Phần lõi bên trong nấm có màu trắng, cắt thành phiến hoặc thành khối.
- Phục linh bì: Vỏ ngoài của cả quả nấm Phục linh tách ra, chất khá xốp, có tính đàn hồi.
- Xích phục linh: Lớp thứ hai sát phần vỏ có màu hơi hồng hay nâu nhạt.
- Phục thần: Phần nấm Phục linh có rễ cây thông đi xuyên qua bên trong.
Thành phần hoá học
Bạch linh có đa dạng các thành phần hóa học bao gồm polysaccharides, triterpenes, acid béo, sterol, enzyme,... Polysaccharide trong Bạch linh chiếm 84% trọng lượng trong số tất cả các thành phần trong trong thể nấm khô, bao gồm PCS1, PCS2, PCS3-I, PCS3-II, PCS4-I, PCS4-II chứa đựng D-glucose, D-mannose, D-fucose, D-xylose, (1→3)-β-D-glucan,...
Đối với triterpenes trong Bạch linh, các nhà khoa học phân lập được dehydrotrametenonic acid, 3β,16α-dihydroxylanosta-7,9(11),24-trien-21-oic acid, eburicoic acid, pachymic acid, 6α-Hydroxypolyporenic acid C,...
Ngoài ra, trong Bạch linh còn có khoảng 15 acid amin, dehydroabietic acid methyl ester, 7-oxo-dihydroxy dehydroabietic acid, hyperin, ergosterol, choline, histidine and muối kali.
Những hoạt chất triterpenes được phân lập từ Bạch linhLiều dùng & cách dùng
Ngày dùng từ 9g đến 15g, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Các dạng sử dụng của vị thuốc Bạch linhLưu ý
Người thể trạng âm hư thấp nhiệt, tiểu nhiều, khí hư hạ hãm, di tinh hoạt tinh do hư hàn không nên dùng. Tránh dùng giấm khi đang sử dụng bài thuốc và món ăn có Bạch linh.
Cần có sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng Phục linh làm thuốc.
Khi sử dụng thuốc Y học cổ truyền, cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoaBài thuốc kinh nghiệm
Bài thuốc hỗ trợ tình trạng mất ngủ, ngủ hay mộng mị, ngủ không sâu giấc
Bài thuốc: Thiên vương bổ Tâm đơn (Thế y đắc hiệu phương) gồm Sinh địa 160g, Đảng sâm 20g, Đan sâm 20g, Huyền sâm 20g, Mạch môn 40g, Đương quy 40g, Thiên môn 40g, Bá tử nhân 40g, Toan táo nhân 40g, Viễn chí 20g, Ngũ vị tử 40g, Bạch linh 20g, Cát cánh 20g.
Thực hiện: Tán tất cả vị thuốc thành bột mịn, sau đó luyện mật làm hoàn và lấy Chu sa làm áo. Mỗi lần dùng 12g, ngày dùng 2 lần (trước khi ngủ).
Bài thuốc hỗ trợ tình trạng ăn uống lâu tiêu, đau bụng, tiêu lỏng
Bài thuốc 1: Hương Sa Lục quân tử thang (Hòa tễ cục phương) gồm Đảng sâm 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Bán hạ 8g, Trần bì 8g, Cam thảo 8g, Hương phụ 8g, Sa nhân 8g.
Thực hiện: Sắc nước uống. Chia làm hai lần. Uống sau ăn.
Bài thuốc 2: Sâm Linh Bạch truật tán (Hòa tễ cục phương) gồm Đảng sâm 80g, Bạch linh 80g, Bạch truật 80g, Sơn dược 80g, Cam thảo 80g, Bạch biển đậu 40g, Liên nhục 40g, Ý dĩ 40g, Sa nhân 40g, Cát cánh 40g.
Thực hiện: Tán tất cả vị thuốc thành bột mịn, mỗi lần uống 8 - 12g với nước đun sôi để nguội.
Bạch linh hỗ trợ điều trị tiêu lỏngBài thuốc hỗ trợ tình trạng phù thũng, tiểu ít
Bài thuốc: Ngũ linh tán (Thương hàn luận) gồm Bạch linh 12g, Trư linh 12g, Trạch tả 12g, Bạch truật 12g, Quế chi 4g.
Thực hiện: Tán tất cả vị thuốc thành bột mịn, mỗi lần uống 6 - 12g với nước đun sôi để nguội.
Bài thuốc hỗ trợ tình trạng phù do mang thai hoặc suy nhược cơ thể
Bài thuốc: Cám gạo mịn 60g và Bạch linh 250g.
Thực hiện: Tán tất cả vị thuốc thành bột mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần.
Cháo Bạch linh hỗ trợ tình trạng tiêu lỏng
Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g và Bạch linh (tán bột) 15g.
Thực hiện: Nấu gạo thành cháo, sau đó thêm bột Bạch linh vào đun sôi lần nữa. Khi chín, nêm nếm gia vị và dùng ăn hằng ngày.
Dê nướng Sa nhân Bạch linh hỗ trợ tình trạng di niệu và di hoạt tinh ở nam giới
Nguyên liệu: Thịt dê 100 - 150g, Sa nhân 30g và Bạch linh 60g.
Thực hiện: Đem các vị thuốc tán bột sau đó dùng ướp với thịt dê rồi đem nướng, ăn và uống với một ít rượu.
Cá chép hầm đậu đỏ Bạch linh hỗ trợ tình trạng phù nề toàn thân
Nguyên liệu: Bạch linh 30g, cá chép 1 con và đậu đỏ 50g.
Thực hiện: Dùng đậu đỏ và Bạch linh hầm với cá chép rồi lấy nước uống.
- José-Luis Ríos. Chemical Constituents and Pharmacological Properties of Poria cocos. Planta Med 2011;77:681–691. doi: 10.1055/s-0030-1270823.
- Nie A, Chao Y, Zhang X, Jia W, Zhou Z, Zhu C. Phytochemistry and Pharmacological Activities of Wolfiporia cocos (F.A. Wolf) Ryvarden & Gilb. Front Pharmacol. 2020 Sep 15;11:505249. doi: 10.3389/fphar.2020.505249.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.
- Yang Y, Huang XL, Jiang ZM, Li XF, Qi Y, Yu J, Yang XX, Zhang M. Quantification of Chemical Groups and Quantitative HPLC Fingerprint of Poria cocos (Schw.) Wolf. Molecules. 2022 Sep 27;27(19):6383. doi: 10.3390/molecules27196383.