Almagat


Mô tả chung

Almagate (aluminium-magnesium hydroxycarbonate ngậm nước, Al2Mg6(OH)14(CO3)2.4H2O) là một thuốc kháng axit chứa nhôm và magie. Almagate có tác dụng kháng acid và cải thiện các chứng bệnh ở Đường tiêu hóa thường được chỉ định trong các trường hợp người bệnh điều trị các bệnh loét dạ dày, loét tá tràng, viêm dạ dày...

Chỉ định

  • Loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày.
  • Chứng tăng acid dạ dày (cảm giác chua ở dạ dày, buồn nôn, nôn, đau vùng dạ dày, ợ chua).
  • Viêm thực quản trào ngược.

Dược lực học

Almagat là một hợp chất nhôm - magnesi hydroxycarbonat ngậm nước, Al2Mg6(OH)14(CO3)2.4H2O. Almagat là một chất kháng acid có các tính chất tương tự với nhôm hydroxyd và magnesi carbonat.

Với khả năng đệm trung hòa, almagat có tác dụng kháng acid mạnh. So với nhôm hydroxyd, nó có hiệu quả hơn trong việc làm tăng pH và làm giảm độ acid toàn phần của dịch vị nhanh hơn mà không ảnh hưởng đến thể tích tiết dịch cũng như không tác dụng không mong muốn gây táo bón.

Almagat cũng ức chế đáng kể hoạt động của pepsin trong dịch vị ngay cả sau khi điều chỉnh đến pH = 2 là pH hoạt động tối ưu của enzym mà điều này không thấy ở nhôm hydroxyd.

Ngoài ra almagat còn có khả năng bao phủ đồng đều tạo một màng bảo vệ trên niêm mạc thực quản và dạ dày.

Dược động học

Thuốc không hấp thu ở ruột và được thải trừ qua phân.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc

Thuốc kháng acid làm tăng hoặc giảm tốc độ và mức độ hấp thu các thuốc khác, khi dùng phối hợp, do làm thay đổi thời gian thuốc ở trong ống tiêu hóa, hoặc do có sự liên kết hoặc tạo phức với chúng.

Các thuốc kháng acid làm giảm hấp thu các thuốc: Digoxin, indomethacin, muối sắt, isoniazid, clodiazepoxid, naproxen.

Thuốc kháng acid làm tăng hấp thu dicumarol, pseudoephedrin, diazepam.

Thuốc kháng acid làm tăng pH nước tiểu, làm giảm đào thải các thuốc là base yếu (amphetamin, quinidin), tăng đào thải các thuốc là acid yếu (aspirin).

Tương kỵ

Chế phẩm có tính kiềm nên có những tương kỵ của phản ứng kiềm.

Chống chỉ định

Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Suy thận nặng (nguy cơ tăng magnesi huyết).

Trẻ nhỏ (nguy cơ tăng magnesi huyết và nhiễm độc nhôm, đặc biệt ở trẻ bị mất nước hoặc trẻ bị suy thận).

Giảm phosphat máu.

Liều lượng

Người lớn: 1 gói/ lần, số lần dùng thuốc trong này tùy thuộc vào bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh.

Trẻ 6 - 12 tuổi: Nửa liều người lớn.

Tác dụng phụ

Tác dụng không mong muốn liên quan đến thuốc kháng acid chứa magnesi

Thường gặp, ADR > 1/100

Miệng đắng chát, tiêu chảy.

Ít gặp, 1/1.000 < ADR < 1/100

Nôn hoặc buồn nôn, cứng bụng.

Tác dụng không mong muốn liên quan đến nhôm hydroxyd

Thường gặp, ADR > 1/100

Táo bón, chát miệng, cứng bụng, phân rắn, buồn nôn, nôn, phân trắng.

Ít gặp, 1/1.000 < ADR < 1/100

Giảm phosphat huyết, giảm magnesi huyết.

Lưu ý

Tránh điều trị liều cao lâu dài ở bệnh nhân suy thận.

Ở người suy thận nặng đã gặp tăng magnesi huyết (gây hạ huyết áp, suy giảm tâm thần, hôn mê). Do đó, không nên dùng magnesi antacid cho người suy thận.

Thận trọng với người có suy tim sung huyết, suy thận, phù, xơ gan và chế độ ăn ít natri và với người mới bị chảy máu đường tiêu hóa.

Người cao tuổi do bệnh tật hoặc do điều trị thuốc có thể bị táo bón và phân rắn. Cần thận trọng về tương tác thuốc.

Kiểm tra định kỳ hàng tháng hoặc 2 tháng 1 lần nồng độ phosphat trong huyết thanh cho người bệnh chạy thận nhân tạo và dùng lâu dài thuốc kháng acid chứa nhôm.

Phụ nữ có thai:

Đã có thông báo tác dụng không mong muốn như tăng hoặc giảm magnesi máu, tăng phản xạ gân ở bào thai và trẻ sơ sinh, khi người mẹ dùng thuốc magnesi antacid lâu dài và đặc biệt với liều cao.

Phụ nữ cho con bú:

Mặc dù một lượng nhỏ nhôm, magnesi bài tiết qua sữa, nhưng nồng độ không đủ để gây tác hại đến trẻ bú mẹ.

Cách dùng

Thuốc được dùng theo đường uống.

Đối với bệnh loét dạ dày tá tràng, liều thuốc thường cho theo kinh nghiệm và nhiều liều khác nhau đã được dùng. Ở người loét dạ dày hoặc tá tràng không có biến chứng, cho uống thuốc 1 - 3 giờ sau khi ăn và lúc đi ngủ. Một đợt dùng thuốc trong khoảng 4 - 6 tuần hoặc tới khi vết loét liền. Ở người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản, ở người có chảy máu dạ dày hoặc loét do stress, thuốc được dùng mỗi giờ 1 lần. Với người bệnh chảy máu dạ dày, phải điều chỉnh liều antacid để duy trì được pH dạ dày bằng 3,5. Để giảm nguy cơ hít phải acid dạ dày trong quá trình gây mê, thuốc antacid được dùng trước khi gây mê 30 phút.

Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ